Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa xây dựng 10 cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể gồm: Hỗ trợ khảo nghiệm các giống cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm nghiệp; hỗ trợ sản xuất rau an toàn và hoa; hỗ trợ sản xuất cây ăn quả tập trung; hỗ trợ phát triển rừng trồng thâm canh, tập trung; hỗ trợ máy dò cá ngang cho các tàu làm nghề lưới vây, chụp khai thác hải sản vùng khơi; hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm khai thác hải sản cho các tàu cá đánh bắt, hậu cần đánh bắt vùng khơi; hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung và hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh hóa cũng nêu rõ nội dung, đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và thời điểm nhận hỗ trợ, thành phần, số lượng hồ sơ cho từng cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.
Dự kiến kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nói trên trong giai đoạn 2021-2025 là 1.698.432 triệu đồng, tăng 377.849 triệu đồng so với kết quả thực hiện của giai đoạn 2016-2020. Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế phân bổ hàng năm của ngân sách tỉnh.
Thời gian thực hiện các cơ chế, chính sách từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2025 (riêng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian hỗ trợ từ năm 2021.
Hoài Thu