Tuyên truyền, hành động quyết liệt

Hải Hậu là địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhất của tỉnh Nam Định. Những năm qua, huyện Hải Hậu quyết liệt triển khai các giải pháp, quyết tâm không để xảy ra các vi phạm về phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU).

UBND huyện Hải Hậu phối hợp với
UBND huyện Hải Hậu phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Tỉnh ủy Nam Định trao tặng quà, động viên ngư dân, người thân chủ tàu bám biển, chấp hành tốt các quy định. Ảnh: Văn Chiến.

Theo phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu, toàn huyện có gần 650 phương tiện khai thác thủy sản, tổng công suất đạt trên 100.000 CV.

Trong đó, tàu khai thác vùng khơi gần 190 chiếc, tàu khai thác vùng lộng 29 chiếc và 417 phương tiện khai thác ven bờ. Các phương tiện khai thác xa bờ chủ yếu là đánh lưới rê, còn lại là chụp mực, lồng bẫy, kéo lưới.

Nhờ được tuyên truyền, vận động kịp thời, đến nay nhiều tàu có chiều dài trên 15m đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các chủ tàu đều nắm rõ các quy định về phòng, chống khai thác IUU.

Ông Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định phòng, chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức tới người dân.

Đa số các chủ tàu đánh bắt cá xa bờ đã chấp hành tốt quy định về vùng khai thác, luôn bật thiết bị giám sát hành trình trên tàu. Nhiều năm qua, không có tàu cá vi phạm vùng khai thác bị phát hiện, phải xử lý.

Ngư dân huyện Hải Hậu sửa soạn lưới cụ trước khi ra khơi. Ảnh: Văn Chiến.
Ngư dân huyện Hải Hậu sửa soạn lưới cụ chuẩn bị khi ra khơi. Ảnh: Văn Chiến.

Năm 2021, chủ tàu Phạm Văn Thắng (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho con tàu mang biển kiểm soát ND.92289.TS, dài 21m, công suất trên 600CV của gia đình.

Theo anh Thắng, đến nay thiết bị giám sát hành trình vẫn hoạt động ổn định. Bởi thế, tàu yên tâm đánh bắt ngoài khơi, không lo vi phạm. Hiện, tàu của gia đình anh thường xuyên cập bến ở Cảng cá Ninh Cơ (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu).  

“Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tôi cho rằng rất hữu ích. Cơ quan chức năng có thể giám sát được tàu đang đánh bắt ở vùng biển nào. Trường hợp tàu đánh bắt giáp vùng biển nước ngoài thì lực lượng chức năng sẽ phát tín hiệu và nhắc chủ tàu đổi hướng vào vùng biển của nước mình”, anh Thắng nói.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo thống kê, huyện Giao Thủy hiện có 656 phương tiện khai thác thủy sản. Trong đó, 172 tàu khai thác vùng khơi (100% tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định), 194 tàu khai thác vùng lộng và 184 phương tiện khai thác ven bờ. Số lao động tham gia khai thác hải sản là trên 2.600 người.

........
Hiện nay, 100% tàu thuyền trên 15m của huyện Giao Thủy đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ảnh: Văn Chiến.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 67-IUU huyện Giao Thủy, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các quy định của pháp luật trong khai thác thủy sản nói chung, quy định phòng, chống khai thác IUU nói riêng đều được tuyên truyền cho ngư dân. Tất cả chủ tàu cá, thuyền trưởng đều nắm rõ các quy định về chống khai thác IUU.

Chủ tàu cá khai thác xa bờ đã có ý thức chấp hành các quy định về vùng khai thác, thực hiện lắp đặt và nghiêm túc vận hành thiết bị giám sát hành trình; chấp hành tốt quy định về cập và rời cảng, chấp hành sự kiểm tra và giám sát của Văn phòng đại diện. Các cảng cá, bến cá tư nhân trên địa bàn đã phối hợp với Văn phòng đại diện trong công tác quản lý, kiểm soát tàu cá cập và xuất bến...

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, việc đảm bảo, duy trì vận hành thiết bị giám sát hành trình của một số chủ tàu, thuyền trưởng còn hạn chế, nhiều tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động trên biển.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản trái phép UBND huyện Giao Thủy yêu cầu các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân đối với những tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trên 10 ngày.

Rà soát lại toàn bộ các điểm tàu cá thường xuyên cập bến bốc dỡ hải sản trên địa bàn; yêu cầu các chủ bến cá, cảng cá tư nhân phải phối hợp với Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (Văn phòng đại diện) trong việc kiểm soát tàu cập, xuất bến, bốc dỡ hải sản.

Thông báo, làm việc và đôn đốc các chủ tàu làm thủ tục đăng kiểm xin cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những tàu cá sắp hết hạn.

.......
Ngư dân huyện Giao Thủy đưa hải sản lên bờ để bán cho các thương lái. Ảnh: Văn Chiến.

Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản chỉ đạo về phòng, chống khai thác IUU của Trung ương, của tỉnh cho các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân biết để chấp hành khi khai thác hải sản.

Phối hợp với lực lượng Biên phòng quản lý chặt chẽ các tàu trong danh sách nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tuyên truyền nhắc nhở, khắc phục vi phạm.

Hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định về tần số vô tuyến điện, phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trong việc bảo trì, bảo dưỡng, thu phí, duy trì hoạt động của các thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc.

Ngoài ra, UBND huyện Giao Thủy chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác chống IUU xóm để tuyên truyền, xác minh, phổ biến các quy định của pháp luật về chống khai thác hải sản IUU và phối hợp xử lý tàu cá vi phạm.

Chỉ đạo cơ quan chức năng, các đồn Biên phòng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân không vi phạm khai thác IUU trước khi rời bến, không cho tàu cá vi phạm ra khơi, nhất là tàu mất tín hiệu giám sát hành trình, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Văn Chiến