Nỗi lo mất thương hiệu

Năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên một loại gạo của Việt Nam được nhận giải cao nhất của cuộc thi này sau 11 lần tổ chức. Điều đáng buồn là khi doanh nghiệp Việt chưa kịp tận dụng lợi thế này thì nhãn hiệu “ST-25” đã bị các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chân đăng ký trước.

Ông Hồ Quang Cua (trái) cùng hai cộng sự nhận cúp World's Best Rice tại Philippines
Ông Hồ Quang Cua (trái) cùng hai cộng sự nhận cúp World's Best Rice tại Philippines 

Trang web chính thức của "Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ" cho thấy 1 trong 5 đơn xin đăng ký nhãn hiệu chứa cụm từ "ST25" do 4 Doanh nghiệp Mỹ nộp, trong đó có 1 đơn đăng ký cho sản phẩm gạo dưới tên của I&T ENTERPRISE, INC. được cơ quan này chấp nhận cho công bố vào ngày 4/5/2021 để bên thứ ba phản đối.

Điều này có nghĩa là đến 3/6/2021, trong vòng 30 ngày theo luật nhãn hiệu của Mỹ, nếu không ai phản đối, Mỹ sẽ cấp độc quyền cho nhãn hiệu "ST25" cho sản phẩm gạo dưới tên doanh nghiệp I&T I&T ENTERPRISE, INC. của Mỹ.

Trường hợp thương hiệu gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước sẽ dẫn đến việc nếu Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ sẽ không được mang nhãn hiệu ST25 nữa hoặc phải trả phí cho đơn vị đã được cấp quyền sở hữu thương hiệu này để được nhập khẩu vào Mỹ. Nếu không sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Câu chuyện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu với nông sản nói riêng và hàng hoá Việt Nam nói chung. Một số vụ việc đã từng xảy ra trước đây có thể kể đến như mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk hay kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc... Đây là những bài học đắt giá cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Một báo cáo của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tiến hành khảo sát mới đây cho thấy, chỉ 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% doanh nghiệp được hỏi, tin tưởng rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, hầu hết những doanh nghiệp khác đều chưa có sự nhận thức đúng đắn về vấn đề thương hiệu; cũng như chưa đánh giá cao sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm, nên chỉ mới quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước mà chưa chú ý tới đăng ký ở nước ngoài.

Cần những hành động thực tế

Từ năm 2019, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030  đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với một trong các mục tiêu quan trọng là “Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể”. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, để mục tiêu trên trở thành hiện thực cần phải thực hiện một số việc cụ thể như sau.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và Bộ KH&CN
Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và Bộ KH&CN 

Thứ nhất là tinh giản đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Tòa án, Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó, việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp.

Hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hiện nay bị coi là quá phức tạp, nhiều đầu mối. Có cơ quan được trao thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng thực tế không có điều kiện để tổ chức thực hiện (Ủy ban nhân dân cấp huyện); có cơ quan không xác định được trách nhiệm giữa thẩm quyền được trao thêm (thẩm quyền xử phạt hành chính) với nhiệm vụ theo chức năng thường xuyên (nhiệm vụ điều tra, xác minh của cơ quan công an).

Trong khi đó, phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan còn có sự trùng lặp, chồng chéo nhau. Một ví dụ là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 12 và 13 của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP thuộc thẩm quyền xử phạt của cả 04 cơ quan là Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ cũng cần bổ sung thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan của cơ quan hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ giả mạo về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cơ quan hải quan trong việc nhận biết hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hoá xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Ngoài ra, giám định sở hữu công nghiệp là một khâu quan trọng để xác định hành vi, tính chất, mức độ xâm phạm và xác định thiệt hại trong quá trình xử lý các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng giám định viên sở hữu công nghiệp còn rất thiếu. Bởi vậy, đây là một nội dung rất cần được quan tâm.

Cục Sở hữu trí tuệ nhận định để tăng cường hiệu quả của hoạt động giám định, cần nghiên cứu, xây dựng khung chương trình đào tạo và sát hạch nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp; và có cơ chế để huy động những người có trình độ chuyên môn sâu nhờ kinh nghiệm công tác vào đội ngũ giám định viên sở hữu công nghiệp, ví dụ, bổ sung điều kiện được đặc cách cấp thẻ giám định viên đối với người đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ và lĩnh vực chuyên ngành giám định từ 15 năm trở lên.

Phạm Sơn