Diễn đàn Môi trường lần thứ III - Năm 2024, với chủ đề: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”. Đây là sự kiện thường niên hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Tổ chức diễn đàn cho rằng, quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả. Khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, vì chất thải rắn sinh hoạt, có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, Diễn đàn Môi trường với chủ đề "Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp” hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) từ các hộ gia đình, cá nhân theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Theo đó coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện triệt để nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều.
Theo ông Hồ Kiên Trung, sau hơn 2 năm, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, để thúc đẩy quản lý CTRSH và phân loại CTRSH từ các hộ gia đình, cá nhân, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều các hoạt động để xây dựng mô hình phân loại chất thải, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý CTRSH. Trong đó, hệ thống pháp luật về quản lý CTRSH về cơ bản đã hoàn thiện, hiện chỉ còn 01 văn bản về định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sẽ được Bộ TN&MT đang hoàn tất các thủ tục để ban hành vào cuối tháng 6 và có hiệu lực vào tháng 9/2024, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố xây dựng định mức kỹ thuật, giá dịch vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương đã bắt đầu thực hiện thí điểm phân loại CTRSH ở quy mô lớn hơn; áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến (như tái chế, khí hóa, đốt có thu hồi năng lượng, sản xuất phân compost) để tái chế, tái sử dụng và xử lý theo tính chất các loại chất thải sau phân loại, làm cơ sở để điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH cho phù hợp với địa phương mình; một số địa phương đã thí điểm tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý theo khối lượng và thể tích thông qua bao bì chứa chất thải.
“Có thể nói, hiện nay một số mô hình thí điểm phân loại CTRSH tại các địa phương đã đem lại kết quả khá tích cực, bắt đầu có được giá trị kinh tế từ CTRSH, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng và người dân được tăng lên đáng kể”, ông Hồ Kiên Trung nhấn mạnh.
Để thúc đẩy công tác phân loại CTRSH theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020, ông Hồ Kiên Trung cho biết, thời gian qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương. Qua làm việc, Cục nhận thấy việc thực hiện công tác phân loại CTRSH ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều thách thức, khó có thể thực hiện sau ngày 31/12/2024 bởi hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại; vẫn còn thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt…
Vì vậy, thời gian tới, để các địa phương thực thi công tác phân loại CTRSH hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế từ chất thải sau phân loại, ông Hồ Kiên Trung cho rằng, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và có phối hợp chặt chẽ của 3 bên: đó là Chính quyền địa phương, Doanh nghiệp, và Người dân.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, WB tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: Việc sử dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; vấn đề xử lý rác thải tại huyện Cồn Cỏ; vai trò của cộng đồng trong phân loại rác thải tại nguồn…
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, các Doanh nghiệp môi trường, xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải. Cụ thể là các giải pháp công nghệ từ sử dụng chất thải rắn làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng; sử dụng công nghệ cao để đốt rác phát điện; việc hỗ trợ tài chính phát triển các cơ sở xử lý chất thải rắn tại Nhật Bản;…
Thu Trang (t/h)