Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra khu xử lý đốt rác phát điện huyện Lương Tài.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra khu xử lý đốt rác phát điện huyện Lương Tài.

Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.150 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm từ 7-10%, trong đó: Thành phố Bắc Ninh khoảng 240 tấn/ngày đêm, thị xã Quế Võ khoảng 140 tấn/ngày đêm, thị xã Thuận Thành khoảng 120 tấn/ngày đêm, huyện Gia Bình khoảng 60 tấn/ngày đêm, thành phố Từ Sơn khoảng 200 tấn/ngày đêm, huyện Tiên Du khoảng 150 tấn/ngày đêm, huyện Yên Phong khoảng 180 tấn/ngày đêm, huyện Lương Tài khoảng 60 tấn/ngày đêm.

Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do các đơn vị dịch vụ (Công ty, Hợp tác xã) thực hiện. Ngoài ra, tại một số xã khu vực nông thôn, UBND xã thành lập các tổ, đội thu gom là các tổ chức, đoàn thể của xóm hoặc người dân thực hiện. Đến nay, 100% các địa phương thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết. Toàn tỉnh hiện có 11 đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với tổng số hơn 30 xe chuyên dụng, cơ bản các xe được gắn thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 3 khu xử lý tập trung, 9 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ và trung bình. Đối với Khu xử lý chất thải tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ) được thực hiện bởi Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Hùng Phát, công suất 300 tấn/ngày, đêm, đang xử lý cho thành phố Bắc Ninh và thị xã Quế Võ; Khu xử lý chất thải tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành, công suất 275 tấn/ngày đêm đang xử lý cho toàn bộ địa bàn thị xã Thuận Thành; Khu xử lý chất thải tại xã Cao Đức (Gia Bình) do Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thiện Tâm đang vận hành xử lý cho huyện Gia Bình, công suất 70 tấn/ngày đêm. Cộng với 9 lò đốt rác trung bình và nhỏ thuộc địa bàn thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du và Yên Phong.

Tuy nhiên, năng lực hiện tại của các khu xử lý đang bị quá tải, không thể xử lý hết được lượng chất thải phát sinh hàng ngày, chưa nói đến lượng chất thải tồn đọng ngoài môi trường từ nhiều năm tại các địa phương chưa có khu xử lý tập trung, nằm ven khu, CCN. Chính vì vậy, các Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng chính là bài toán tối ưu cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Xây dựng các Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng là một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019-2025. 3 Nhà máy nằm trên địa bàn thị xã Thuận Thành, Quế Võ và huyện Lương Tài với công suất xử lý khoảng 1.300 tấn rác/ngày, đêm, đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn cuối, đi vào vận hành thử nghiệm và vận hành chính thức trong năm 2024, sẽ cán đích mục tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và tồn đọng trong toàn tỉnh, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh về làm sạch môi trường song hành cùng phát triển kinh tế-xã hội.

Để các Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao phát năng lượng đi vào vận hành hiệu quả, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ phân bổ đồng đều lượng chất thải phát sinh tại các địa phương trong tỉnh về 3 khu xử lý công nghệ cao phát năng lượng của tỉnh. Tạm thời ngừng cấp rác đối với các khu xử lý bằng công nghệ thông thường và lò đốt rác công suất nhỏ; chỉ cung cấp khi các khu xử lý rác thông thường và lò đốt công suất nhỏ cải tiến công nghệ, bảo đảm hoạt động đáp ứng yêu cầu về môi trường.

Được biết, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) thuộc Công ty TNHH năng lượng xanh T&J cũng cơ bản hoàn thiện, đủ các điều kiện vận hành thử nghiệm và đang được UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho vận hành thử nghiệm; Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ) thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long cũng hoàn thành hơn 90% khối lượng xây dựng. Trong năm 2024, các Nhà máy này sẽ đồng loạt hoạt động, không những đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo đảm an ninh năng lượng, tác động tích cực cho xã hội, mà còn góp phần quan trọng trong việc quản lý, xử lí triệt để chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, một trong những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững của tỉnh.

Bá Đoàn