Tại diễn đàn, TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, nông nghiệp bền vững phát triển hài hoà dựa trên 3 trụ cột: có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai.
TS Hùng nhấn mạnh: “Quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các HTX nông nghiệp như sự phát triển không đồng đều của HTX giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc các HTX khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của HTX; các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon. Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đỏi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong HTX.
TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các HTX thực hiện tốt các chương trình, đề án về phát triển xanh, nhất là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Song song với đó là tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nông nghiệp tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Ông Thịnh chỉ ra một số mô hình phát triển HTX tiêu biểu như mô hình kinh tế sử dụng trấu làm chất đốt trong xay xát lúa tại Nhà máy xay xát gạo Vĩnh Bình - tỉnh An Giang. Mô hình này đang được áp dụng với nhà máy xay xát gạo với công suất 80.000 tấn/năm, tạo ra 16.000 tấn trấu (lượng trấu sẽ sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy chiếm khoảng 50% (8.000 tấn trấu) và phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường)…
Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển HTX bền vững.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX; xây dựng Nghị định về HTX; tham mưu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi tại các Quyết định ban hành chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Đồng thời, Bộ cũng đang triển khai các chính sách, đề án, dự án, kế hoạch ưu tiên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT ban hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Tại các quốc gia phát triển này đã và đang triển khai chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh.
Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm các mô hình, hàng hóa được phân phối trong các hệ thống hiện đại luôn được doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung ứng, trong đó có các liên minh HTX, HTX, hộ nông dân cùng nỗ lực kiểm soát nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ chứng từ, quy trình sản xuất, trồng trọt, đặc biệt là nông sản được kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển của các chuỗi siêu thị, các kênh hiện đại, các chợ truyền thống cũng từng bước có sự thay đổi, nâng cấp để phù hợp với xu hướng phát triển. Trong thời gian qua, tại 63/63 tỉnh thành phố đã xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm chợ kinh doanh thực phẩm. Tới nay, trên cả nước đã có gần 200 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiêu chí chợ an toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong các tiêu chí để xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trúc Mai