Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế ba tháng đầu năm, với tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82%. Lần gần nhất kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới 4% trong quý I là năm 2009 - năm đầu tiên khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Và đây chưa phải là số liệu duy nhất phản ánh khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch.

Bởi phía sau là sự đi xuống của cả ba khu vực chính (nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp & xây dựng; dịch vụ). Trong đó, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản gần như không đóng góp gì vào bức tranh chung. Tăng trưởng của mảng này trong quý đầu tiên chỉ đạt 0,08% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, riêng khu vực nông nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ.

gât fab ndbhans hvaejhkn sd

Trong quá khứ, như năm 2016 khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản suy yếu, nền kinh tế được "đỡ" lại bằng công nghiệp và dịch vụ. Còn quý I năm nay, cả hai khu vực này cùng giảm sút, xuống mức thấp nhất nhiều năm, với một lý do chung "tác động của Covid-19". Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp nhất ba năm, trong khi dịch vụ tăng thấp nhất hơn một thập kỷ. 

Ở khía cạnh thương mại và xuất nhập khẩu, kết quả cũng không khả quan hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất hơn 10 năm. Trong đó, riêng tháng 3, chỉ tiêu này giảm 0,8% - lần đầu tiên ghi nhận mức tăng âm trong 5 năm gần đây.

"Covid-19 đã tác động tới tâm lý người tiêu dùng, làm hạn chế mua sắm, du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan", Tổng cục Thống kê lý giải.

Với hoạt động xuất nhập khẩu, tính chung quý I, tổng kim ngạch hàng hóa đạt hơn 115 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chỉ tăng 0,5% còn nhập khẩu giảm 1,9%. Kết quả này đã chấm dứt chuỗi tăng liên tục từ năm 2010 đến 2019. 

Tương tự, những chỉ số chính như tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế cũng chứng kiến đà giảm mạnh. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất 10 năm, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 5,4%. Theo cơ quan thống kê, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dù những chỉ số trên chỉ suy giảm thay vì tăng trưởng âm, bức tranh kinh tế quý I đã phản ánh sự yếu đi rõ rệt về tổng cung và tổng cầu, sự chậm lại trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Những yếu tố không chắc chắn cũng ngày càng hiện rõ. 

Đầu tiên về cấu trúc nền kinh tế. "Trụ đỡ" trong quý I chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, nhưng điều này được dự báo khó duy trì. Vì những biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh chủ yếu áp dụng từ nửa cuối tháng 3, tình trạng dừng sản xuất, thiếu nguyên liệu, thị trường bắt đầu diễn ra trong giai đoạn này nên khả năng ảnh hưởng đến khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ rõ ràng hơn trong quý II. Và ngành dịch vụ có thể còn tiếp tục sụt giảm. 

Trong hoạt động thương mại, xuất khẩu chỉ tăng 0,5% ba tháng đầu năm nhưng riêng tháng 3 đã giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng cuối quý I, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước giảm 3,7%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,4%. Những mặt hàng chủ lực như dệt may, sắt thép, giày dép, thủy sản, điện thoại và linh kiện đều giảm ở mức hai con số.

bdna sjhdhhsajk,m dk

Vốn đầu tư FDI - được xem là điểm sáng trong nhiều năm gần đây, cũng suy giảm trong quý I. Còn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách ba tháng đầu năm mới đạt 13,2% kế hoạch năm.

Trước kiến nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng khi GDP năm nay khó tăng 6,8%, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê, cho rằng việc điều chỉnh là không cần thiết. 

"Dưới góc độ cơ quan thống kê, chúng tôi cho rằng không nên đề xuất sửa mục tiêu tăng trưởng chỉ để hoàn thành kế hoạch. Tăng trưởng 6,8% trong năm nay là điều rất khó, nếu đạt 5% cũng xem là rất thành công", ông Lâm nói.

Theo khuyến nghị của cơ quan thống kê, bài toán khó trong tăng trưởng năm nay có thể giải quyết bằng động lực thể chế, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện năng suất lao động, thay đổi cơ cấu kinh tế. Giải ngân thêm 1% vốn đầu tư công giúp GDP tăng 0,06%. Trong khi đó, nếu hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64%, ICOR giảm 1 thì GDP tăng 1,42%. Năng suất lao động cũng là một yếu tố tạo lực đẩy cho tăng trưởng khi tăng 1% có thể làm GDP tăng 0,94%.

"Kinh tế đang rất khó khăn, thậm chí kéo dài những quý sau. Việt Nam không có nguồn lực mạnh như Mỹ để có thể phát cho dân 1.000 USD, cung cấp các gói cứu trợ mấy nghìn tỷ USD, nhưng chúng ta sẽ có những giải pháp khác. Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức tích cực, có thể không hoàn thành mục tiêu 6,8% nhưng sẽ hơn hiện trạng chung của thế giới", Tổng cục trưởng Thống kê cho biết.

Minh Sơn