Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào hồi 10 giờ ngày 20/7/2021, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 60km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 114,0 độ Kinh Đông.

Đường đi của cơn bão số 3
Đường đi của cơn bão số 3

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển: Ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sóng biển cao từ 5,0-7,0m, biển động rất mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng 2 biển cao từ 2,0-4,0m.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên thực hiện ngay một số nhiệm vụ.

Theo đó, yêu cầu Đài thông tin Duyên hải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời diễn biến của bão cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải, Cảng Vụ Đường thủy nội địa liên tục theo dõi diễn biến, hướng di chuyển của bão để thông báo và hướng dẫn tàu thuyền biết khi cấp phép cho tàu rời cảng; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Theo dõi, cập nhập diễn biến của bão; chuẩn bị vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.

Các Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị Quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt… tiến hành khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông phối hợp điều hành việc vận tải, hành khách và hàng hoá khi xảy ra mưa bão.

Bảo Lâm