Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/6, đã có cuộc gặp với lãnh đạo các hãng thông tin hàng đầu thế giới bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Saint Peterburg và đã trả lời nhiều vấn đề về Nga và quốc tế, đặc biệt là vấn đề ở Kuril.

Theo đó, Tổng thống Putin cho rằng, nếu quần đảo này được chuyển giao cho phía Nhật Bản thì quân đội Mỹ có thể được bố trí trên đó theo thỏa thuận Nhật - Mỹ. Nga không thể chấp nhận việc này.

Nga - Nhật bàn về đảo tranh chấp: Khúc mắc nằm ở Mỹ - Hình 1

Tổng thống Putin cảnh báo quân sự hóa ở Kuril

Hiện nay, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc như một cách để phản ứng với tình hình leo thang căng thẳng do chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hệ thống này có tầm radar vươn xa đến 1.000km, có khả năng ảnh hưởng tới Nga.

Trong khi đó, quần đảo Kuril, nơi Moscow và Tokyo đang có tranh chấp, được cho là nơi khá thích hợp để triển khai khí tài quân sự Nga nhằm phản ứng với mối đe dọa từ Mỹ.

Vào năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng từng tiết lộ có kế hoạch triển khai một vài hệ thống tên lửa phòng không mới nhất và máy bay không người lái đến quần đảo Kuril, đồng thời xây thêm căn cứ tại đây.

Ông Putin khẳng định, điều này không có nghĩa là Nga đang quân sự hóa hòn đảo này mà chỉ nên được xem là một biện pháp đề phòng với những diễn biến trong khu vực.

Tổng thống Nga nhấn mạnh, chuỗi đảo Kuril phải được phi quân sự hóa nếu muốn được chuyển giao cho Nhật Bản. Điều đó được thực hiện chỉ khi các nước khác trong khu vực có biện pháp phi quân sự hóa tương tự.

Với các vấn đề đã nêu của Tổng thống Nga, Nhật Bản cũng đang nỗ lực để tiến tới một Hiệp ước Hòa bình với Nga mà cụ thể hơn nữa là tương lai kiểm soát chuỗi đảo Kuril.

Từ hồi tháng 10/2016, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đã nói về việc Moscow lo ngại khi đề cập đến "khả năng bố trí quân đội Mỹ tại hai đảo này trên cơ sở Hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật", đồng thời phía Nhật Bản thể hiện đồng ý và nỗ lực giảm bớt mối lo của Nga.

"Phía Nhật Bản có lưu ý  đến các điều khoản của Nga về việc đàm phán lãnh thổ trong đó nhắc đến các đảo còn lại: Iturup và Kunashir, đang tiếp tục nghiên cứu việc đưa ra ngoại lệ đến việc áp dụng Hiệp ước (về an ninh với Mỹ) sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại như thế nào"- Kyodo thông tin.

Mỹ đã nhiều lần khẳng định, Điều 5 trong Hiệp ước được áp dụng đối với cả quần đảo Senkaku mà phía Nhật Bản đang tranh chấp với Trung Quốc mà họ gọi là Điếu Ngư.

Vì vậy, việc để Mỹ đồng ý rằng họ sẽ loại trừ chuỗi Kuril ra khỏi Hiệp ước với Nhật Bản là điều khó có khả năng xảy ra.

Một khả năng khác mà tờ báo Nhật cho rằng có thể Tokyo sẽ giành được quyền kiểm soát Kuril tức là được cả phía Nga và Mỹ đồng thuận, đó là Thủ tướng Nhật Bản phải tuyên bố rằng,  "vùng lãnh thổ phía Bắc" (như Nhật Bản gọi quần đảo Nam Kuril của Nga) không thuộc điều 5 của Hiệp ước".

Tuy vậy, giả sử điều này là có tương lai, câu trả lời của Tổng thống Nga vừa qua về việc không quân sự hóa Kuril là các quốc gia trong khu vực phải thực hiện phi quân sự hóa.

Điều này quả rất khó khăn khi sức ép ở Triều Tiên không khỏi khiến Mỹ bất an và ngày càng gia tăng khí tài quân sự tầm xa ở Hàn Quốc và sắp tới có thể ở cả Nhật Bản.

Hợp tác hữu nghị chỉ có công, tư về kinh tế

Dẫu tương lai của Hiệp ước Hòa bình giữa Nga - Nhật Bản sẽ khó khăn, chuỗi đảo Kuril sẽ khó trở thành của Tokyo, mối quan hệ hợp tác phi quân sự đã được hai bên nỗ lực thúc đẩy.

Mới đây, các quan chức Nga và Nhật Bản đang cùng khảo sát khả năng kinh tế ở các đảo tranh chấp tại Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Nga - Nhật bàn về đảo tranh chấp: Khúc mắc nằm ở Mỹ - Hình 2

Đội ngũ chuyên gia Nga chuẩn bị chuyến khảo sát ở Kuril hồi tháng 10/2014

 Người phát ngôn Quân khu miền Đông của Nga Vladimir Matveev cho biết, các chuyên gia về địa lý Nga đã bắt đầu một cuộc thám hiểm tới một hòn đảo núi lửa đang tranh chấp với Nhật Bản mà ở đó, họ sẽ phối hợp với các chuyên gia Nhật để cùng tiến hành thăm dò về khả năng tiến tới những ý tưởng hợp tác kinh tế chung.

Về phía Nga, có khoảng 100 người và 30 thiết bị trên các tàu thám hiểm tới Sakhalin. Về phía Nhật Bản, ông Eiichi Hasegawa, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được biết sẽ dẫn đầu nhóm gồm gần 30 quan chức chính phủ và chuyên gia thuộc các lĩnh vực cả công và tư, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau như ngư nghiệp, du lịch, y tế...

Theo dự kiến, phái đoàn trên sẽ soạn thảo một danh sách ưu tiên các hoạt động kinh tế có thể được triển khai trên các đảo tranh chấp, chẳng hạn như nuôi cá và nhím biển.

Nhật Bản cũng đang có nhu cầu hợp tác với Nga trong việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Sakhalin- Hokkaido, xây dựng cầu năng lượng trên biển để cung cấp điện từ Nga sang Nhật Bản, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng phi truyền thống.

Hiện, Tokyo và Moscow đang sắp xếp để các cư dân Nhật Bản từng sinh sống trên các đảo này trước chiến tranh được phép tới thăm 2 trong số 4 đảo tranh chấp bằng đường không vào giữa tháng 6 tới.

Theo dự kiến, khoảng 70 người sẽ bay từ sân bay Nakashibechu của tỉnh Hokkaido trên máy bay của Nga tới một trong hai hòn đảo lớn nhất trong cụm đảo đang do Nga kiểm soát.

Các cư dân cũ trên quần đảo sẽ không cần xin thị thực của Nga. Đây sẽ là hành trình đầu tiên mà các cựu cư dân được tự do thăm viếng mộ tổ tiên mà không cần xin thị thực nhập cảnh của Nga.

Đông Phong - Baodatviet