Ngày 02/03, Liên minh Châu Âu (EU) thông báo loại một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng và Tài chính quốc tế, có trụ sở ở Bỉ. 

Việc các ngân hàng của Nga bị chặn kết nối với hệ thống SWIFT sẽ ảnh hưởng đến thanh toán của quốc gia này và đến nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, mức độ ảnh hưởng không nhiều, cụ thể là thanh toán trong giao thương Việt - Nga. Bởi chúng ta phải phân biệt rõ mức độ trừng phạt Mỹ và phương Tây áp dụng đối với Nga, cụ thể ở đây là hạn chế Nga tiếp cận với SWIFT, không phải loại bỏ hoàn toàn. Hạn chế có nghĩa vẫn có những tổ chức tín dụng của Nga có thể hoạt động bình thường, chỉ những tổ chức tín dụng bị cho có liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine mới bị cấm. 

Đối với phía Nga họ sẽ bị ảnh hưởng trước mắt, nhưng về lâu dài cũng chưa chắc, bởi dù sao họ vẫn là định chế tài chính mạnh. Ngay cả khi cuộc xung đột mới nổ ra, giới quan sát và bình luận đều cho rằng Nga đã tính đến khả năng bị trừng phạt bằng hình thức hạn chế SWIFT, nên họ đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Rất có thể, sau khi bị loại hạn chế tiếp cận SWIFT, Nga sẽ tăng tốc phát triển mạng lưới thay thế của riêng mình.

Ảnh minh họa internet
Nga sẽ có hệ thống thanh toán thay thế SWIFT. Ảnh minh họa internet.

Thực tế, từ năm 2014 Nga đã xây dựng hệ thống SPFS, là hệ thống chuyển các thông điện tài chính được Ngân hàng Trung ương Nga phát triển, sau khi cộng đồng quốc tế dọa loại Nga khỏi SWIFT vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. SPFS có cùng dịch vụ như SWIFT, nhưng hiện chỉ có khoảng 20 ngân hàng nước ngoài sử dụng. Thêm vào đó, mục tiêu của Nga là sẽ phối hợp cùng với các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Iran để xây dựng một mạng lưới mới thay cho SWIFT nhằm độc lập với các định chế tài chính Mỹ.  

Còn đối với các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam, tất nhiên ban đầu sẽ có ảnh hưởng, song về dài hạn không đáng lo ngại. Bởi ngoài SWIFT, phía Nga sẽ tìm cách khác để giao dịch với nước ngoài. Các ngân hàng Nga có thể sẽ dựa vào một hệ thống truyền tin bảo mật thay thế khác, như đã nói đó là hệ thống SPFS.

Về mặt lý thuyết, một doanh nghiệp Nga có thể yêu cầu một ngân hàng ở Việt Nam chẳng hạn, tham gia hệ thống SPFS, thực hiện lệnh chuyển tiền qua hệ thống SWIFT, vì một ngân hàng có thể cùng lúc là thành viên của nhiều mạng lưới truyền thông tin. Tuy nhiên, cách làm này sẽ lâu và tốn kém hơn vì phải qua thêm một trung gian.

Cũng cần hiểu thêm, SWIFT kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia, được ví von như mạng xã hội của các ngân hàng, như hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế, thậm chí như “vũ khí hạt nhân tài chính”. Vì thế, nước Nga, với số đầu mối sử dụng đứng thứ 2 sau Mỹ, bị trừng phạt loại phần lớn khỏi hệ thống đó ví như bị cắt khỏi mạng internet, trở về chơi với điện thoại, điện tín, telex, email… 

Ví như vậy chúng ta sẽ dễ hình dung về những tiện ích SWIFT mang lại chiếm ưu thế hơn các hình thức khác như thế nào.

Việc Nga bị loại khỏi SWIFT cùng với tình hình xung đột Nga -Ukraine đang căng thẳng đã tác động đến tài chính toàn cầu. Với Việt Nam, những biến động này đang tác động đến tỷ giá VNĐ với USD. Thực tế cho thấy, áp lực đối với VNĐ đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế, cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục do cán cân thương mại nhập siêu và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua.

Nguyên nhân chính vẫn đang xoay quanh xung đột giữa Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như các nước phương Tây. Trong tuần qua, thị trường tài chính của nhiều quốc gia rơi vào trạng thái hoảng loạn, trước khi hồi phục lại phần nào vào phiên giao dịch cuối tuần.

Tuy nhiên, muốn đánh giá và dự báo chi tiết hơn cần có thêm thời gian. Song cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và giúp đồng VNĐ duy trì được sức mạnh của mình.  

C.H (t/h)