Nga thắng tưng bừng ở Syria, Mỹ cố cứu

Số binh sĩ Mỹ thương vong tại cuộc chiến Afghanistan ngày càng tăng cao

Trái ngược với cam kết trong chiến dịch tranh cử trong năm 2016 rằng sẽ giảm bớt sự can thiệp vào các cuộc xung đột ở nước ngoài, ngày 21/8/2017 sau hơn nửa năm kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố về chiến lược mới ở Afghanistan-nơi Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị “sa lầy” trong suốt 16 năm qua trong cái gọi là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”.

Những đặc điểm đáng chú ý trong chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan

Chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan có những đặc điểm đáng chú ý.

(1) Dựa trên ba yếu tố. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, chiến lược mới ở Afghanistan dựa trên ba yếu tố: (a) Mỹ cần thu được một kết quả xứng đáng với những hy sinh đã bỏ ra, trước hết là sự hy sinh mạng sống của những người lính; (b) mối lo ngại về triển vọng các nhóm khủng bố như Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể lấp đầy khoảng trống an ninh do quân đội Mỹ và NATO để lại; (c) cần phải hóa giải mối đe dọa khủng bố nhằm vào Mỹ.

(2) Cách tiếp cận của chiến lược. Cách tiếp cận mới của Mỹ đối với cuộc chiến ở Afghanistan có những điểm đáng chú ý: (a) không đặt ra thời hạn cuối cho việc rút quân, mà căn cứ tình hình cụ thể để có phản ứng thích hợp; (b) cảnh báo Pakistan đã để lãnh thổ của họ trở thành “vùng đất an toàn” cho các phần tử khủng bố. Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã trả cho Pakistan nhiều tỷ USD nhưng lãnh thổ nước này lại trở thành nơi trú ngụ của các lực lượng khủng bố đang bị truy đuổi ở Afghanistan; (c) Mỹ sẽ hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ bởi đây là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới và là đối tác then chốt của Mỹ trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc ổn định tình hình ở Afghanistan; (d) Mỹ sẽ từ bỏ chiến lược sử dụng các lực lượng vũ trang để áp đặt dân chủ trên khắp thế giới bởi nó cần rất nhiều nỗ lực, thời gian và tiền bạc; (đ) coi trọng và nhấn mạnh yếu tố đối thoại chính trị để đưa lực lượng Taliban vào bàn đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cuối cùng cho cuộc chiến ở Afghanistan.

(3) Mục tiêu của chiến lược. Mỹ cần có một chiến thắng ở Afghanistan, nghĩa là xóa sổ IS, nghiền nát mạng lưới Al-Qaeda, ngăn chặn Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan và chặn đứng từ trước mọi cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ. Mục tiêu cuối cùng là đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan chứ không chỉ là “đưa lính Mỹ về nhà” như Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama tuyên bố. Theo Tổng thống Donald Trump, việc Mỹ vội vã rút quân ra khỏi ở Afghanistan là sai lầm vì chỉ tạo ra khoảng trống để các phần tử khủng bố hoành hành.

 (4) Không xác định cụ thể số lượng binh sỹ tham chiến tại Afghanistan. Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis triển khai kế hoạch điều thêm gần 4.000 binh sỹ để tăng cường cho lực lượng 8.400 binh sỹ Mỹ hiện đang đồn trú tại đây hiện chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện. Con số 4.000 binh sỹ này ban đầu dự kiến là lực lượng quân sự tư nhân nhưng theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Afghanistan đương đại, ông Omar Nessar, giữa Washington và Kabul chưa đạt được sự thống nhất về việc sử dụng lực lượng quân sự tư nhân ở Afghanistan.

(5) Gia tăng quyền tự quyết cho các lực lượng chiến đấu tại Afghanistan. Đây là điểm thay đổi lớn nhất so với chiến lược của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama quy định quyền hạn nhất định cho quân đội Mỹ trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường Afghanistan.

Phản ứng của các bên

Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani, hoan nghênh chiến lược mới vừa công bố ngày 21/8/2017 và cảm ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump  cũng như nhân dân Mỹ đã ủng hộ nỗ lực của Afghanistan trong việc nâng cao khả năng chống khủng bố.  

Còn các chuyên gia phân tích của Afghanistan thì có ý kiến khác nhau. Một loại ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Mỹ không từ bỏ các nỗ lực chống khủng bố ở Afghanistan. Một loại ý kiến khác cho rằng không một chiến lược nào của Mỹ có thể mang lại hòa bình và ổn định một khi chính quyền Afghanistan không thể tự đứng vững trước các thách thức và nguy cơ bên trong nội bộ cũng như từ bên ngoài, cũng không thể tự mình cải cách đất nước. .

Từ phía Pakistan, đáp trả nhận định của Tổng thống Donald Trump rằng khủng bố ẩn náu trên lãnh thổ nước này, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Pakistan, tướng Asif Ghafoor, tuyên bố:“Không có khủng bố trú ngụ ở Pakistan. Chúng tôi đã tiến hành hoạt động chống lại tất cả bọn chúng, bao gồm cả mạng lưới khủng bố Haqqani”.

Từ phía Taliban, người phát ngôn lực lượng Taliban là Zabiullah Mujahid, cho rằng quan điểm ông chủ Nhà Trắng về Afghanistan vừa không có gì mới, vừa không rõ ràng. Trước đó, Taliban đã gửi Tổng thống Donald Trump bức thư ngỏ dài 1.600 từ để cảnh báo Mỹ không được tăng quân ở Afghanistan vì điều đó sẽ kéo dài cuộc chiến vốn đã kéo dài nhất của Mỹ ở quốc gia này. Taliban cũng cho biết họ không sẵn sàng cho bất cứ cuộc đối thoại nào, ít nhất cho tới khi Mỹ và NATO công bố khung thời gian cho việc rút quân. Tuy nhiên, chiến lược mới không ấn định cụ thể khung thời gian này.

Có gì khác giữa cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan và Syria?

Ở Afghanistan, cùng với Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố là một chính quyền do Mỹ dựng lên sau khi lật đổ chính thể do Taliban kiểm soát ở Kabul. Vì không tự đứng vững trên đôi chân của mình mà chủ yếu dựa vào sự chống lưng của Mỹ nên chính quyền Afghanistan hiện nay chỉ trông chờ vào sự chi viện toàn diện của Washington, từ kinh tế đến chính trị và an ninh.

Nga thắng tưng bừng ở Syria, Mỹ cố cứu

Mỹ đã sa lầy tại Afghanistan và nguy cơ trắng tay trong cuộc chiến kéo dài

Vì thế mà sau khi NATO rút khỏi và Afghanistan và tiếp đến là Mỹ chỉ để lại một lực lượng nhỏ ở đây, các lực lượng của Taliban từ vị thế là đám tàn quân đã trỗi dậy mạnh mẽ ở nhiều địa phương, chủ động tiến hành hàng loạt vụ tấn công, gây tổn thất nghiêm trọng cho quân chính phủ và kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan.

Sau gần 16 năm Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan, tuy được cả NATO và Mỹ chống lưng, chính quyền được Washington hậu thuẫn tại Afghanistan chỉ kiểm soát được gần một nửa lãnh thổ và luôn đứng trước nguy cơ bị Taliban tấn công vào bất cứ thời điểm nào và vào bất cứ đâu, kể cả ở thủ đô Kabul. Theo thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, hơn 2.500 cảnh sát và binh sỹ Afghanistan đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao tran với Taliban. Theo đánh giá mới của các cơ quan tình báo Mỹ, tình hình ở Afghanistan chắc chắn sẽ xấu đi trong thời gian tới ngay cả khi Mỹ và đồng minh triển khai thêm binh lính tới quốc gia Nam Á này.

Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria có bản chất hoàn  toàn khác. Trong hơn 6 năm qua, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa kiên cường tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, vừa đương đầu với các nỗ lực và mưu toan của Mỹ và các đồng minh của họ trong khu vực đòi lật đổ thế chế chính trị ở Damascus.

Hiện nay, với sự giúp đỡ của liên quân do Nga dẫn đầu, Syria đã cơ bản đánh bại IS. Còn sự hiện diện của liên minh do Mỹ dẫn đầu trên lãnh thổ Syria là bất hợp pháp, thậm chí bị chính phủ Syria coi là hành động xâm lược. 

Triển vọng của chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan

Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” sau hơn 16 năm sa lầy vào cái gọi là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan, Mỹ không thể  dễ dàng thoát ra khỏi “vũng lầy” trong tình thế phải chịu “trắng tay”. Tuy nhiên, chiến lược mới vừa được Tổng thống Donald Trump tuyên có giúp Mỹ khắc phục được sai lầm chiến lược của những Tổng thống tiền nhiệm thì vẫn là một câu hỏi lớn đang để ngỏ.

Trong bài phát biểu ngày 21/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng chiến lược mới có sự thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, có thể thấy ngay rằng, cũng như chiến lược của những người tiền nhiệm, trong nội dung chiến lược mới không đưa ra được bất kỳ biện pháp hay sự bảo đảm chắc chắn nào để nước Mỹ có thể “đánh bại chủ nghĩa khủng bố” ở Afghanistan, hoặc chí ít có thể đưa Taliban vào bàn đàm phán như mục tiêu đề ra.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban của Hồi đồng liên bang Nga về quốc phòng, ông Franse Klinsevich, Mỹ sẽ không bao giờ rút khỏi Afghanistan bởi đây là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Để tiến hành cuộc cạnh tranh địa chính trị này, Mỹ đang duy trì 700 căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Còn theo phân tích của ông Konstantin Blokhin, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Nga, chiến lược mới của Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Afghanistan không chỉ nhằm chống chủ nghĩa khủng bố mà còn nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc.

Đại tá Lê Thế Mẫu - VietTimes