Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2022, WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũ ng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu trong nước.
Nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, WB khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn.
Do áp lực tỷ giá kéo dài, WB cũng cho rằng, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối. Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc. Đồng thời, với các biến động gần đây trong khu vực ngân hàng, WB khuyến nghị cơ quan quản lý phải thận trọng hơn và tăng cường hơn nữa những nỗ lực giám sát.
Trong tháng 10 vừa qua, tín dụng tăng trưởng hạ nhiệt song vẫn ở mức cao (tăng 16,5% so cùng kỳ nă ngoái), do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất điều hành, room tín dụng vẫn không được nới.
Báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 11/2022” vừa ban hành, ACBS ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 22 tỷ USD vào năm 2022 từ dự trữ ngoại hối, tương đương 21% tổng dự trữ vào năm 2021, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 87 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn duy trì trong ngưỡng an toàn.
Nhóm phân tích ACBS cũng cho rằng, việc duy trì lãi suất thấp sẽ khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước do triển vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ gây áp lực mất giá lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp vào đầu năm 2023 cùng với nhu cầu tiền mặt tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ lớn có thể làm căng thẳng thanh khoản và gây áp lực tăng lãi suất vào đầu năm 2023.
Hải Dương (t/h)