Ảnh minh họa
Cụ thể, dựa trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22 năm 2016 và Thông tư 15/2018 về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định mua.
Dự thảo thông tư cũng quy định ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành.
Thời gian qua đã phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, từ đó phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Đặc biệt, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác...
Điều này khiến ngân hàng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.
Trang Nguyễn