(THCL) _ Là quốc gia với khoảng 70% dân số gắn bó với nông nghiệp và chi phí cho phân bón chiếm tới 40% giá thành sản phẩm, song hiệu suất sử dụng thấp, hàng kém chất lượng đang là vấn đề nan giải.
Lãng phí, thất thoát
Phân bón là yếu tố đầu vào, chiếm khoản chi phí lớn nhất trong trồng trọt hiện nay. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp, 750 kg/ha diện tích gieo trồng.
Việt Nam đang sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm, trong đó, phân đạm urê chiếm khoảng 19%, lân 18%, kali 9%, NPK 37%, DAP 9%, SA 8%...
Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ rõ, hiệu suất sử dụng phân bón ở Việt Nam mới chỉ đạt 40 - 45% với phân đạm, 25 - 30% với phân lân và khoảng 55 - 60% với phân kali. Nếu ước tính hiệu suất sử dụng các loại phân bón nói chung, trung bình khoảng 45 - 50%, có nghĩa lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường hoặc bị cố định trong đất cây trồng không sử dụng được chiếm 50 - 55% (tương đương trên 5 triệu tấn), thì mỗi năm Việt Nam lãng phí khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, lượng phân bón thất thoát, cây trồng không sử dụng được còn gây ra suy thoái đối với đất, nước, chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất và là nguồn phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón thấp, trong đó có các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, đất đai, địa hình và các nguyên nhân chủ quan liên quan đến kiến thức và trình độ canh tác của người nông dân, công nghệ sản xuất phân bón của các đơn vị sản xuất, công tác nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền và quản lý của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh phân bón.
TS. Vũ Thắng, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia (Cục Trồng trọt) đánh giá: Nhu cầu sử dụng phân bón phục vụ sản xuất ở nước ta rất lớn, nhưng hiệu quả sử dụng vẫn còn thấp dẫn tới tổn thất không nhỏ về kinh tế và tác động xấu tới môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng, đã và đang trở thành vấn nạn và là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón thấp.
Gian lận tràn lan
Kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón trên thị trường của Cục Trồng trọt năm 2013, tại 76 cửa hàng kinh doanh trên địa bàn 6 tỉnh (3 tỉnh ở miền Bắc là Hưng yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và 3 tỉnh ở miền Nam là Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang) với tổng số mẫu phân bón, đoàn kiểm tra lấy phân tích là 223 mẫu, trong đó, đã phát hiện tới 44,4% mẫu (99 mẫu) có chỉ tiêu chất lượng không đạt so với đăng ký trên nhãn mác, bao bì (tỷ lệ vi phạm này ở nhóm phân bón lá 55%, phân bón rễ 41,5%). Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 68,4% cơ sở kinh doanh có sản phẩm phân bón vi phạm nhãn mác, hoặc chỉ tiêu chất lượng so với công bố trên nhãn mác (3 tỉnh miền Bắc 67,3% và 3 tỉnh miền Nam 70,4%).
Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng phân bón trên thị trường, bảo vệ các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất là mục tiêu đã được đặt ra từ lâu.
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh phân bón, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trước mắt cần làm tốt một số vấn đề sau.
Trước hết, cần thực hiện tốt việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp về thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện “Đề án chống buôn lậu và sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng”.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý địa bàn để nắm chắc diễn biến tình hình, thống kê, đánh giá rõ từng đối tượng về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phân bón, quy mô tính chất, địa chỉ cụ thể, phân loại đối tượng để có biện pháp kiểm tra, xử lý.
Đối với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, phải đáp ứng nhu cầu thị trường với giá cả hợp lý, tổ chức các kênh phân phối phù hợp. Kết hợp các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương, các chương trình xúc tiến thương mại, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện các chương trình bán hàng trực tiếp đến tận tay người nông dân với giá hợp lý.
Hà Tân