THCL Việt Nam được ví là “miền đất ngọt ngào” về chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, từ lâu, mỗi năm chúng ta vẫn phải chi hơn 1 tỷ USD, nhập sữa bột?
Phụ thuộc nhập khẩu
Theo nhiều chuyên gia, đó là hệ quả của sự phát triển “nóng” vùng nguyên liệu dẫn đến thừa cung. Lãnh đạo Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) lý giải, nguyên nhân chính do DN “nghiện” NK sữa nguyên liệu để chế biến sữa nước hoàn nguyên.
Có một thực tế là tại nhiều thời điểm, người nông dân nuôi bò phải… đổ sữa đi vì bất đồng trong thu mua (DN lấy lý do biến động giá sữa trên thị trường thế giới để ép nông dân đẩy giá sữa thu mua trong nước xuống mức thấp).
Việt Nam hiện đứng trong nhóm 20 nước NK sữa nhiều nhất trên thế giới (mỗi năm nhập trên 1,2 triệu tấn sữa các loại). Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2016, Việt Nam NK sữa và sản phẩm sữa lên tới 72 triệu USD từ nhiều nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á. Và giá bán lẻ sữa bột nguyên hộp NK ở nước ta đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới...
Ông Vũ Công Chính, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do sản lượng sữa trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu, hơn 70% còn lại là NK.
Tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” có nêu, sự phát triển của ngành sữa đang đi ngược xu hướng thế giới.
Chuyên gia nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, phát triển ngành sữa cần 2 vấn đề.
Thứ nhất, phải làm rõ về nguồn gốc, chất lượng sữa do các công ty sản xuất: đâu là sữa tươi tiệt trùng, đâu là sữa nước hoàn nguyên với nguyên liệu là sữa bột NK. Bởi nếu nhập nhèm 2 loại này, sẽ là sự nhập nhèm về giá. Việc các nhà máy thu mua sữa tươi của người nông dân chỉ là hình thức, còn kiếm lợi nhuận lại là ở nguồn sữa nguyên liệu nhập vào giá rẻ. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, hậu kiểm tốt để bảo vệ quyền lợi nông dân và người tiêu dùng.
Thứ hai, phải tạo cơ chế để người nông dân, nhà sản xuất liên kết chặt chẽ với nhau. Trong hội nhập cạnh tranh gay gắt, muốn phát triển bền vững thì mối liên kết này phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi bên.
Dừng ở tầm chính sách
TS. Đặng Kim Sơn nhìn nhận, những hình mẫu liên kết trong sản xuất - gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi ích hài hòa cho các bên đã có ở nước ta (chưa nhiều). Trong các liên kết này, DN đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức. Nông dân có thể trở thành người lao động của DN hoặc là cổ đông của chính DN đó. Có như vậy, liên kết mới bền, các bên chia sẻ lợi ích, chấp nhận lời ăn lỗ chịu trong kinh doanh thì mới không còn cảnh phá hợp đồng, ép giá nông dân.
Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công thương, Bộ Y tế, lực lượng QLTT…) phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để giám sát chất lượng sữa của các DN trên thị trường - xem có đúng như DN công bố hay không. Một khi phân biệt rõ đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột hoàn nguyên trên bao bì sản phẩm - sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững.
Nhiều chuyên gia lên tiếng, để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, trước hết, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Phải có chính sách mới để phát triển chăn nuôi bò sữa; thực hiện tốt quy hoạch của ngành. Cách hóa giải duy nhất nghịch lý của ngành sữa Việt Nam đó là ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và sản xuất sữa tươi chất lượng cao - tạo cú huých cho ngành công nghiệp sữa. Bên cạnh đó, cần phải phát huy tốt vai trò của Ủy ban Quốc gia sữa Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, mỗi năm, nước ta đang mất hơn 1 tỷ USD để nhập sữa bột, trong khi nông dân vẫn phải… đổ bỏ sữa. Nghịch lý này - lỗi lớn là do quy định không rõ ràng từ chính các cơ quan quản lý nhà nước. Có một bất cập hiện nay đó là chưa có số liệu điều tra cụ thể về lượng sữa tươi bán ra thị trường của tất cả các DN. Vì vậy, cần có những biện pháp cụ thể, đủ mạnh để minh bạch thị trường sữa Việt Nam.
Hoan Nguyễn