Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta. Chính phủ và các cấp, các ngành đã luôn sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp tài khoá ứng phó với đại dịch Covid -19, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hàng loạt cơ chế, chính sách được Bộ Tài chính chủ động tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tạo động lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển như: Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế trong năm 2021; Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; Nghị định 70/2020/NĐ-CP giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; triển khai hóa đơn điện tử; tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…
Nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời
Ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, Tổng cục Thuế đã thưm mưu, trình Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với đại dịch Covid-19. Hàng loạt cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành như: Chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng.
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Tổng cục Thuế cùng với các vụ, đơn vị của Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/09/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua đó giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tổ chức khoảng 700 tỷ đồng.
Đồng thời, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 để quy định và hướng dẫn thực hiện các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong số 04 giải pháp mới được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng thì có 3 giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra như: Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; miễn thuế phải nộp phát sinh trong quý III và quý IV đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020; ngoài ra, vẫn tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 cho doanh nghiệp có doanh thu giảm hơn so với năm trước và không quá 200 tỷ đồng.
Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt
Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trong thời gian tới dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc cách mạng 4.0,… sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta. Thực hiện Nghị quyết đại hội đảng lần thứ XIII, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý Nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó một trong các giải pháp chính là thực hiện hải quan số với các đặc trưng:
Quản lý biên giới thông minh: Triển khai mô hình quản lý biên giới tích hợp nhằm giảm yêu cầu tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu.
Quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số: Triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức hải quan thế giới. Các thủ tục hành chính của các bộ ngành có liên quan (như: cấp phép, kiểm tra chuyên ngành), các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan sẽ được chuẩn hóa, số hóa dữ liệu và được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, phi giấy tờ. Đảm bảo an ninh an toàn thông tin cấp độ cao.
Cung cấp dịch vụ tối ưu: Thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, linh hoạt có thể đáp ứng sự thay đổi về quy định và chính sách, đảm bảo sự liền mạch, không đứt gãy trong hoạt động thương mại.
Kết nối và xử lý thông minh: Ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ (như: Kết nối Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Bigdata), Phân tích thông minh (BI), Điện toán đám mây (ICloud), Di động (Mobility),…) đảm bảo cơ quan hải quan trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; làm chủ công nghệ, thích ứng kịp thời với những thay đổi về môi trường hoạt động. Sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước để phục vụ công tác quản lý.
Minh bạch, công bằng, nhất quán: Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới, như: Công ước về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan; Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu;… đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia phản biện chính sách pháp luật, hợp tác với cơ quan hải quan trong thực thi và giám sát thực thi pháp luật. Tích cực và chủ động tham vấn và tham gia tháo gỡ, giải quyết tốt các vướng mắc, xung đột giữa các bên trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất khập khẩu.
Minh Anh