Qua nhiều giai đoạn phát triển, cấu trúc trong quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi nhưng chức năng và nhiệm vụ cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại, đó chính là một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Có thể thấy rõ, cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam.
Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội.
Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều cũng đặt ra mối quan tâm, lo lắng cho toàn xã hội. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động. Các giá trị văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào các gia đình.
No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là chuẩn mực của gia đình hiện đại. Để "giữ lửa" trong gia đình, nhất thiết các thành viên phải luôn tôn trọng nhau, biết lắng nghe nhau để thấu hiểu, chia sẻ và động viên nhau. Thậm chí, đôi lúc phải hy sinh mong muốn cá nhân, tiết chế cái tôi của mình, phân chia khoa học, hợp lý giữa công việc cơ quan với công việc gia đình và dành cho gia đình những khoảng thời gian bên nhau sau những âu lo cơm - áo - gạo - tiền.
Bảo Ngọc T/h