Việc "tranh mua, tranh bán" mía nguyên liệu dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có ở Nghệ An
Ngang nhiên vào vùng nguyên liệu của doanh nghiệp khác thu mua?
Hiện nay, mía đang là một trong những cây trồng có được đầu ra ổn định nhất ở Nghệ An. Điều đó có được một phần là do tại tỉnh này có 3 nhà máy đường, công suất ép khoảng 13.000 tấn mía/ngày.
Tuy nhiên việc "tranh mua, tranh bán" đã diễn ra hết sức phức tạp trong hàng chục năm nay! Từ việc tranh mua, tranh bán đó đã và đang gây ra sự xáo trộn về vùng nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy, đi cùng với đó là những hệ lụy không chỉ nông dân, chính quyền địa phương mà các doanh nghiệp đều phải đối mặt trong quá trình hội nhập phát triển.
Cụ thể, hàng năm Công ty Cổ phần Mía Đường Sông Con đã tổ chức thu mua mía trong vùng đã được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch cho Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu với sản lượng hơn 100.000 tấn mía.
Việc này làm phá vỡ quy hoạch của tỉnh Nghệ An, hơn nữa lượng mía này đã được Công ty NASU hỗ trợ nông dân về con giống, phân bón, cho vay vốn không tính lãi suất và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm mía. Khi Công ty Cổ Phần mía đường Sông Con vào mua như vậy sẽ gây thiệt hai rất lớn cho Công ty NASU.
Theo ông Ngô Văn Tú – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía Đường Nghệ An (NASU): “Hàng năm công ty ký hợp đồng trực tiếp với nông dân vùng nguyên liệu được quy hoạch. Niên vụ ép vừa qua, công ty bị thất thoát hơn 100 nghìn tấn mía nguyên liệu.
Nguyên nhân do Công ty Cổ phần Sông Con đã tổ chức mạng lưới tư thương đi khắp vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho công ty của chúng tôi từ Quỳ Châu đến Nghĩa Đàn tổ chức thu mua, làm phá vỡ kế hoạch ép mía của NASU cũng như quy hoạch của tỉnh đối với công ty”.
Những biên bản người nông dân vi phạm hợp đồng cung cấp mía cho Công ty NASU
Theo số liệu thống kê của NASU, hằng năm công ty đã đầu tư cho vay vốn không tính lãi suất cho các hộ nông dân trồng mía trong vùng quy hoạch của công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, chỉ tính riếng 2017 công ty đã cho vay với tổng số tiền 110 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho không để trồng mía hơn 6 tỷ đồng.
Tại tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần Mía Đường Sông Lam cũng phải sống chung với tình cảnh bị tranh mua nguyên liệu như nhà máy mía đường NASU. Không ai khác, “đối thủ” vẫn chính là Công ty Cổ Phần Mía Đường Sông Con.
Đại diện Công ty Cổ phần Mía Đường Sông Lam cho biết: “Dù mới bắt đầu vào vụ ép nhưng vùng nguyên liệu được tỉnh quy hoạch cho nhà máy của chúng tôi đã bị các tư thương của Công ty Cổ Phần Mía Đường Sông Con sang mua tranh.
Điều này đã ảnh hướng rất lớn đến quá trình ép mía của nhà máy, bởi nguyên liễu đã khan hiếm nay bị “đối thủ” sang tận vùng nguyên liệu của mình để thu mua thì lại càng khan hiếm hơn”.
Bà Dương Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An: “Tình hình mua tranh mía nguyên liệu tại địa bàn xã Thọ Sơn là rất phức tạp.Cụ thể, nhà máy mía đường Sông Con đã đến địa bàn xã tôi mua tranh mía nguyên liệu với nhà máy mía đường Sông Lam.
Theo quy hoạch diện tích trồng mía của xã tôi là để phục vụ cho nhà máy mía đường Sông Lam, nhưng nhà máy Sông Con sang mua tranh vùng nguyên liệu như thế là không được, sẽ gây thiệt hại cho nhà máy mía đường Sông Lam.
Bà Dương Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An
Nhà máy mía đường Sông Lam đầu tư cho nông dân cây giống, phân bón, tiền vốn cho vay không tính lãi,... Đến khi thu hoạch nông nhà máy mía đường Sông Con sang thu mua như vậy thật là bất công với họ.
Chúng tôi mong muốn cấp trên có giải pháp nào đó tác động để làm trung gian những doanh nghiệp hoạt động mua bán văn hóa, lành mạnh hơn”.
Cả nông dân và doanh nghiệp đều có nguy cơ bị thiệt
Tình trạng “tranh mua tranh bán” không chỉ ảnh hướng đến lợi ích của riêng doanh nghiệp, mà nó còn ảnh hưởng đến chất lượng của toàn ngành mía đường. Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay:
“Đặc thù của mía đường được thu mua theo 2 dạng, thứ nhất mua đầu tấn, thứ 2 mua theo trữ lượng đường trên một đơn vị khối lượng. Tình trạng tranh mua tránh bán mía nguyên liệu đã dẫn đến một số doanh nghiệp thu mua xô mía của nông dân về ép mà không mua theo trữ lượng đường.
Điều này sẽ dấn đến nông dân không quan tâm đến chất lượng cũng như trữ lượng đường trong mía nguyên liệu. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng của ngành mía đường".
Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Ở một phương diện khác, khi nông dân bán xố mía mà không bán theo trữ lượng đường cho doanh nghiệp thì chưa chắc đã có lợi. Bởi thông thường mía ở Nghệ An thường có trữ lượng đường lớn, trên 10. Mà trữ lượng đường trên 10 thì giá sẽ rất khác, nếu mua xô thì họ chỉ trả ở mức 10, điều đó rõ ràng là thiệt thòi cho người nông dân.
Cũng theo ông Doanh: “Hiện công ty NASU họ áp dụng công nghệ của Úc, thu mua theo trữ lượng đường trên đơn vị khối lượng rất chuẩn xác và có lợi cho nông dân. Ví dụ như vừa rồi, trữ lượng đường lên 12 NASU họ sẵn sàng trả nông dân thềm vài trăm nghìn một tấn mía nguyên liệu”.
Đứng trước hiện trạng trên, Công ty Mía Đường Nghệ An (NASU) và Mía Đường Sông Lam đã nhiều lần gửi văn bản lên các cấp chính quyền, nhưng tình trạng tranh mua mía nguyên liệu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Hai doanh nghiệp này vẫn phải “sống chung với lũ”, và hàng ngày vẫn phải đối mặt với sự thiết hụt mía nguyên liệu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển.
Kính đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, Hiệp hội Mía đường Việt Nam,… sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Theo Phapluatplus