Nghệ An: Hiệu quả từ mô hình Quân dân Y cai nghiện ma túy - Hình 1

Đây là một huyện miền núi, có 18 xã tiếp giáp với nước bạn Lào, nằm trong khu vực trung chuyển ma tuý của cả hai nước Việt Nam – Lào. Số người nghiện ma túy là 698 người (đứng thứ 03 toàn tỉnh), 21⁄21 xã có tệ nạn ma túy. Số người nghiện liên quan đến tội phạm về ma túy và nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn. Gia đình có người nghiện ma túy hầu hết thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm và chưa có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như cộng đồng.

Việc triển khai thực hiện mô hình nhằm ngăn chặn, phòng chống lạm dụng ma túy; cai nghiện, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ người nghiện ma túy phạm tội và nhiễm HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc giáp biên giới Lào. Ngoài ra, mô hình cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể: 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý có mặt tại cộng đồng đều được tham gia mô hình; 100% người nghiện ma túy sau cai được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy để thay đổi hành vi và có biện pháp phòng ngừa; được truyền nghề hoặc dạy nghề và tạo việc làm dựa trên nhu cầu, sức khỏe, trình độ và tình hình thực tế của địa phương.

Để chuẩn bị triển khai các hoạt động của mô hình, Bệnh xá Quân dân Y phối hợp với Đồn Biên phòng và chính quyền cấp xã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của nghiện ma tuý, lợi ích của cai nghiện đối với người nghiện tới từng thôn bản, từng gia đình, người dân để tạo sự đồng thuận; thuyết phục các già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ tham gia vận động người nghiện và gia đình cam kết tham gia chương trình cai nghiện tại cộng đồng nói chung và mô hình cai nghiện nói riêng

Sau khi vận động được gia đình có người nghiện và người nghiện ma tuý làm đơn xin được cai nghiện ma tuý tại cộng đồng, Bệnh xá Quân Y phối hợp với chính quyền cấp xã lập hồ sơ, tổ chức cắt cơn cai nghiện cho người nghiện ma túy (địa điểm được chọn là Trường học hoặc Trạm y tế xã) trong thời gian 10-15 ngày. Trước khi cắt cơn giải độc, người nghiện sẽ được tư vấn, khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Sau khi cắt cơn thành công, gia đình và bản thân người cai nghiện sẽ được các y, bác sỹ tư vấn các biện pháp phòng chống tái nghiện và bàn giao cho gia đình quản lý.

Sau thời gian cai nghiện, học viên trở về cộng đồng và tham gia sinh hoạt hàng tuần tại các Câu lạc bộ sau cai đã được thành lập tại mỗi xã. Ban chủ nhiệm Câu Lạc bộ là cán bộ của Bệnh xá Quân y, Đồn Biên phòng và thành viên của tổ chức, đoàn thể cấp xã thường xuyên tới thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, tư vấn cho người sau cai nghiện; tổ chức các hoạt động văn hóa – thể dục, thể thao để người sau cai nghiện tham gia, hòa nhập cộng đồng. Bệnh xá Quân y cũng tổ chức đánh giá nhu cầu học nghề của người nghiện ma túy đã được tổ chức cai nghiện. Căn cứ nhu cầu, trình độ và sức khỏe của người sau cai nghiện ma túy sẽ được tổ chức truyền nghề, học nghề tại Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội huyện Kỳ Sơn. Chính quyền, các cơ quan, đoàn thể đã chủ động tìm hiểu các mô hình kinh tế trên địa bàn, lồng ghép vào các chương trình xóa đói giảm nghèo để giới thiệu, giúp đỡ người sau cai nghiện tham gia mô hình kinh tế, tiến hành giải quyết việc làm, chủ yếu là chăn nuôi và trồng rừng. Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy nhiều người đã có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đồng thời với việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma tuý, công tác kiểm soát địa bàn được tăng cường với sự tham gia phối hợp của ngành công an và lực lượng Biên phòng, tạo môi trường trong sạch không có ma tuý giúp người nghiện giảm thiểu nguy cơ tái nghiện.

Sau 03 năm triển khai thí điểm mô hình, 130 người nghiện ma túy được cai nghiện, tổ chức truyền nghề và học nghề cho 60 người. Nhiều người trong số người nghiện được cai theo mô hình này thành công đến nay vẫn chưa tái nghiện, điển hình là vợ chồng Anh Lương Phò Thum ở bản Huồi Bắc – xã Bắc Lý đã cai nghiện được 03 năm chưa tái nghiện.

Danh Gia