Dịch sởi bùng phát, hàng trăm sinh linh bé nhỏ đã ra đi. Một số mặt hàng ăn theo dịch đua nhau tăng giá. Đau lòng lắm. Song, đau lòng hơn cả vẫn là câu chuyện về những “đầy tớ của nhân dân”, “người mẹ hiền” của cộng đồng trong hoạn nạn vẫn “ép dân nghèo xài sang” …
Những chiếc máy thở hiện đại trên thế giới, giá khoảng 10.000 USD
Những điều nghịch lý
Trong dịch sởi, các bệnh viện thi nhau “gào thét” vì thiếu máy thở, thiếu máy xông mũi họng cho các bệnh nhi. Có những bé mới chỉ vài tháng tuổi vẫn phải xếp hàng đến 2 - 3 giờ sáng mới được sử dụng cái máy khí dung (xông mũi họng). Tại sao những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Nhi Trung ương…, lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, mỗi ngày tiếp hàng nghìn bệnh nhi lại không có đủ máy khí dung để phục vụ hơn trăm bệnh nhi sởi mỗi ngày cao điểm?
Máy thở thiếu trầm trọng, là điều dễ hiểu, bởi nếu như với 400 - 800 triệu đồng/máy thì vào dịch đương nhiên sẽ không đủ. Trong thời đại hiện nay, chỉ với một thao tác nhỏ, người tiêu dùng có thể biết giá cả của tất cả các mặt hàng, nếu họ muốn. Máy thở cũng vậy, chỉ với một cú click chuột, hàng nghìn chiếc máy thở hiện ra, nhưng có điều thật lạ, máy rẻ nhất chỉ hơn 1.000 USD, còn loại máy được gán mác năm 2014 với đầy đủ các tính năng hiện đại nhất cũng chỉ có hơn 10.000 USD (tương đương hơn 200 triệu VND).
Bà Phạm Hải Hường, kế toán một công ty xuất nhập khẩu y tế cho biết, quy định về thuế dành cho mặt hàng này chỉ có 5% VAT, ngoài ra không còn thuế nào khác… Khảo sát hàng chục nhãn hiệu nổi tiếng, cũng không tìm đâu ra máy thở có giá 400 - 800 triệu đồng như của Việt Nam đã mua? Dân ta còn nghèo, có nhất thiết phải xài sang đến mức mua những máy “đặc chủng” chỉ dành riêng cho Việt Nam? Đã đầu tư loại máy thở đắt gấp đôi, gấp ba bình thường, tại sao chưa dùng đã hỏng?
Chi 34.000 tỷ để đổi sách giáo khoa khi chưa thực sự cần thiết? Tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu chỉ dài có 547 mét, Hà Nội đã phải bỏ ra khoản kinh phí lên tới 1.000 tỷ đồng. Rồi tuyến đường sắt ngắn trên cao, cũng đội giá mấy trăm triệu USD… đã phải hứng chịu sự phản ứng dữ dội của dư luận. Tại nghị trường, lúc nào cũng được các chính khách quan tâm ưu ái chi ngân sách nhà nước cho ngành y tế. Người dân hiểu, sức khỏe là vốn quý nhất nên nhất mực đồng lòng. Nhưng những khoản tiền lớn đã được chi tiêu “hào phóng” cho các dự án nêu trên, thì ngược lại, tỏ ra “keo kiệt” với tính mạng của các em nhỏ bởi dịch sởi?
Liệu rằng, các nhà chức trách suy nghĩ gì đây?
Song Hưng