Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghị định 132 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020, và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Nghị định 132 sẽ thay thế Nghị định 20 về giá giao dịch liên kết ban hành vào năm 2017. Vừa mới ban hành, nhưng nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng về những bất cập của Nghị định 132.

Trong 3 năm qua, Tập đoàn Hoàng Gia dù chưa có lãi cũng phải nộp thuế và phải nộp đến 2 lần ở cả công ty mẹ và công ty con vì quy định khống chế chi phí lãi vay. Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cần nhiều vốn và đi vay nhiều nên dù mức khống chế nay đã tăng lên 30% thì doanh nghiệp vẫn có nguy cơ bị đánh thuế 2 lần cho phần vay vượt trần.

Ông Đinh Việt Anh – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Gia cho rằng, muốn phải triển phải tăng được quy mô, phải triển khai hoạt động liên doanh, liên kết. Nếu tiếp tục kéo dài Nghị định 20, kể cả tới đây là Nghị định 32 sẽ làm cho doanh nghiệp không thể phát triển được.

Trong khi 2 nhóm ngành là các tổ chức tín dụng và bảo hiểm được loại trừ khỏi Nghị định 32 thì nhóm ngành chứng khoán lại không được. Ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Việt (T-Group) cho biết, DN chứng khoán cũng có hoạt động tương tự như ngân hàng đó là cho vay ký quỹ, đòi hỏi chi phí tài chính lớn và mức khống chế tổng chi phí lãi vay 30% là chưa đủ.

Theo ông Phạm Thanh Tùng, công ty chứng khoán có rất nhiều đối tượng là khách hàng doanh nghiệp. Mô hình công ty chứng khoán thường là mô hình nằm trong tập đoàn, có rất nhiều công ty anh, chị em. Như vậy, bất cứ một giao dịch nào với đơn vị liên kết (là công ty anh, chị em, công ty bố mẹ), thì ngay lập tức dính vào giao dịch liên kết.

Theo quan điểm của Hội tư vấn thuế Việt Nam, các công ty chứng khoán cũng có 1 nghiệp vụ tương tự với ngân hàng đó là cho vay vốn cần đòn bẩy tài chính lớn, vì thế cần cân nhắc việc loại trừ ngành nghề này ra khỏi Nghị định 132 hoặc quy định một mức tỷ lệ vốn vay cho phù hợp.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp đang cần vốn để tái sản xuất kinh doanh nhưng không ít doanh nghiệp đang rơi vào vòng luẩn quẩn, không đi vay thì không có vốn để sản xuất, mà đi vay nhiều, vượt trần thì lại bị tính thuế. Quy định khống chế lãi vay như vậy là chưa phù hợp. Có 2 phương pháp được các nước sử dụng để quản lý chi phí lãi vay. Đó là khống chế tổng chi phí lãi vay giống như nghị định 132 và khống chế thông qua tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. Tại Việt Nam, trong bối cảnh vốn của DN còn ít thì việc áp dụng theo phương pháp thứ 2 sẽ phù hợp hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hiền – Giám đốc Công ty tư vấn tài chính, kế toán, thuế AFA cho rằng: Việc áp dụng 1 tỷ lệ cố định thì ở góc độ người quản lý thuế sẽ thuận lợi nhưng ở góc độ người nộp thuế thì sẽ có những cảm nhận rằng không công bằng so với đặc thù ngành nghề. Mỗi ngành nghề có đặc thù sử dụng vốn khác nhau do vậy cần quy định cụ thể về tỷ lệ vốn vay trên tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho mỗi ngành nghề sẽ giúp các DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, từ đó phát triển được quy mô sản xuất.

Còn đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng việc không chế trần chi phí lãi vay không cần áp dụng cho DN Việt không có giao dịch xuyên biên giới hoặc các công ty mẹ và con có cùng một mức thuế suất. “Nên gạt các đối tượng không có khả năng trốn thuế ra. (ví dụ đơn vị có cùng lãi suất hoặc không có giao dịch xuyên biên giới... vì trong cùng lãnh thổ việt Nam, cùng mức lãi suất thì chạy đi đâu để trốn thuế?” – bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế nêu quan điểm.

Trước đó, theo Phó Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, một trong những điểm mới là quy định về khống chế chi phí lãi vay lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Do đó, không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai mà nguyên nhân chính là do DN Việt Nam có vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp.

Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc nâng trần chi phí lãi vay lên mức 30% sẽ dễ thở hơn nhưng thực sự vẫn chưa trút bỏ được gánh nặng bấy lâu nay.

 Theo VOV