GDP của TP.Hồ Chí Minh chiếm 1/5 GDP cả nước
Tăng sự phân cấp - phân quyền
Đa số đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết ban hành nghị quyết để tạo cơ chế tăng phân cấp, phân quyền, tạo động lực cho thành phố phát triển.
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), nhiều nút thắt sẽ được tháo gỡ, làm tinh gọn và hiệu quả bộ máy hành chính quản lý hành chính. Các thể chế liên quan đến tài chính, thí điểm thuế bất động sản, tài sản, đất, nhà đất… nếu được áp dụng triển khai sẽ giúp chống đầu cơ, bong bóng bất động sản.
Việc cổ phần hóa DNNN để lấy tiền đầu tư kết cấu hạ tầng chính là mũi tên trúng 2 đích đó là “ép” thành phố đẩy nhanh cổ phần hóa, đồng thời thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương 5, kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Vấn đề phân cấp giữa UBND Thành phố và các quận, huyện, đối với địa phương như TP. HCM là một đô thị đặc biệt vì dân cư đông, mật độ dân cư một quận, huyện tương đương một tỉnh, thành phố khác. Do đó, việc phân cấp này là rất cần thiết.
Về thu nhập, cơ chế thu nhập theo năng suất lao động cũng là hợp lý. Nhưng điều quan trọng là thành phố có thể quyết định thu nhập cho chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc tại các khu công nghệ cao, nơi rất cần đội ngũ tri thức cống hiến.
“Tổng hợp lại, cơ chế phân cấp, phân quyền sẽ tạo ra động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với cơ chế đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc và cơ chế đặc thù cho TP. HCM - sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018. Đây chính là điểm nhấn quan trọng”, Đại biểu Ngân nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung trong dự thảo nghị quyết đã “cởi trói” cho thành phố rất nhiều.
Việc thí điểm giao HĐND Thành phố có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên 10 ha tạo sự năng động, trong điều kiện đất nông nghiệp của thành phố không nhiều. Tuy nhiên, để thận trọng hơn nữa nên đặt mức trần từ 10 - 50 hay 100 ha, thể hiện sự cởi trói nhưng trong khuôn khổ.
“Về thuế, lệ phí, theo luật, trong những trường hợp nhất định giao HĐND Thành phố, có trường hợp báo cáo Chính phủ và Quốc hội, theo tôi, nên mạnh dạn giao cho HĐND Thành phố. Ngoài ra, dự thảo nghị quyết tập trung nêu kinh tế, trong khi xã hội, văn hóa rất ít. Cần thận trọng, bởi phát triển kinh tế cần đột phá, nhưng cần cả sự tương đồng trong phát triển văn hóa, y tế, giáo dục”, Đại biểu Hải nêu quan điểm.
Nên giới hạn với sắc thuế?
Đồng tình với nội dung cho phép TP. HCM được mở rộng thí điểm điều chỉnh thuế suất và đối tượng chịu thuế đối với sắc thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường, Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) bày tỏ quan điểm “không nên đặt vấn đề mở rộng quá nhiều”.
Nghị quyết cho phép thành phố được vay với mức vay tăng lên bằng 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Đại biểu Chiểu đề nghị cần bổ sung, nhấn mạnh trong tổ chức thực hiện, thành phố phải làm tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra, chống nợ đọng thuế, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận, thương mại. Bởi theo số liệu nợ đọng thuế cả nước thì thành phố chiếm tỷ trọng tương đối cao.
Nghị quyết cho phép thành phố được quyền quyết định chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc chức vụ, mức lương ngạch bậc theo hiện hành.
“Tôi đề nghị trong nghị quyết cần ghi rõ, phần tăng thêm phải theo hiệu quả công việc, theo chức vụ và vị trí việc làm để khắc phục. Có như thế thì mới khuyến khích người lao động làm việc có trách nhiệm và mẫn cán, tránh tình trạng tăng cào bằng lên 1,8 lần - ví như “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói”, Đại biểu Chiểu thẳng thắn.
Ở một góc độ khác, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) lại cho rằng, trong nghị quyết, không nên có giới hạn đối với các sắc thuế cũng như mức tăng.
“Tôi nghĩ, chính quyền TP. HCM đủ khôn khéo; hay nói khác đi là rất thông minh, đủ sức tính toán để chọn những loại sắc thuế, phí, lệ phí nào nên tăng và tăng bao nhiêu, kể cả loại nào nên giảm và giảm bao nhiêu, cũng như đề xuất bổ sung sắc thuế nào để đáp ứng được mục đích tăng nguồn thu, hạn chế các tác động xấu đến sự phát triển.
Có như thế thì thành phố mới đủ linh hoạt để chọn lựa những thay đổi. Những đề xuất của thành phố, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Còn nếu theo dự án luật, mức thuế do Quốc hội quyết định, tôi đề nghị nên nới rộng hơn mức 25% để rộng đường cho TP. HCM tính toán”, Đại biểu Phương góp ý.
Vị đại biểu này cũng không ủng hộ quy định mức trần là 1,8 lần đối với các mức lương ngạch, bậc mà nên để thành phố tự điều chỉnh cho phù hợp với nguồn ngân sách đã thu cũng như theo từng thời kỳ. Bởi “nếu chúng ta muốn đặc thù, muốn mở thì phải mở cho đủ, chứ mở mà còn dè dặt hay quá thận trọng hoặc so sánh giữa các địa phương khác thì khó thành công”.
Đã cân nhắc, tính toán kỹ
Báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng những băn khoăn đó là hoàn toàn xác đáng.
Theo Bộ trưởng, thực tế khi đề xuất nội dung, Chính phủ và Thành phố đã lường trước các vấn đề nảy sinh. Do vậy, trong dự thảo nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến DN, đặc biệt là DNNVV, hạn chế tối đa đến sản xuất lưu thông hàng hóa trên thị trường cả nước. Tập trung thu đối với hàng hóa thu nhập phát sinh trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này, không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế mà phải xây dựng đề án cụ thể, báo cáo HĐND, Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nếu cần thiết để xem xét quyết định.
Về thuế tài sản, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến nên mở rộng đối tượng thu thuế ở những chính sách thuế hiện có, tập trung vào chính sách thuế điều tiết tiêu dùng, đồng thời tăng cường các biện pháp chống thất thu và quản lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá và gian lận thương mại, phối hợp các cơ quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết.
Về tác động của nghị quyết, Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng đã có sự thống nhất để cơ chế, chính sách được đề xuất cơ bản không làm thay đổi các cán cân đối lớn về NSNN và nợ công trong kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua; không ảnh hưởng đến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, thành phố vẫn tiếp tục điều tiết về Trung ương với tỷ lệ hiện hành.
Đối với thu từ cổ phần hóa DNNN, theo kế hoạch dự kiến thu từ thành phố khoảng 20.000 tỷ đồng, trong tổng số 250.000 tỷ đồng của kế hoạch 5 năm. Theo giá trị phần vốn nhà nước tại 39 DN trong danh sách phải cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 thì, giá trị sổ sách khoảng 42.000 tỷ đồng. Thành phố dự kiến, có thể thu khoảng 67.000 tỷ đồng từ hoạt động này.
“Trong thời gian tới, khi kinh tế thành phố lớn mạnh hơn thì số thu từ cổ phần hóa không chỉ là 20.000 tỷ đồng, mà sẽ gấp nhiều lần số này và có thể cao hơn cả mức dự kiến. Khi đó, theo dự thảo nghị quyết, phần để lại cho thành phố sẽ là nguồn lực đáng kể để thành phố thực hiện các nhiệm vụ của mình”, Bộ trưởng nói.
Đoàn Huế