(THCL) _ Cao su thiên nhiên tăng trưởng chậm, chưa theo kịp mức tăng của sản lượng (do phải xuất đi lượng lớn giá trị thô), nhưng vẫn phải NK đến 80% nguyên liệu. Đó là thực trạng của ngành công nghiệp chế biến cao su hiện nay.

Lệ thuộc vào Trung Quốc

Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su năm 2015 là 800.000 ha và giữ diện tích ổn định ở mức này. Song đến nay, diện tích cây cao su cả nước đã vượt hơn 155.700 ha so với quy hoạch. Trong giai đoạn 2009 - 2013, giá XK cao su ở mức cao nhất kể từ năm 1961 - đã khiến nhiều người đổ xô trồng mới cao su.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, lượng cao su thiên nhiên sơ chế cung cấp cho chế biến sản phẩm cao su trong nước chỉ chiếm khoảng từ 16 - 18% tổng sản lượng. Cụ thể năm 2013, thị trường trong nước chỉ tiêu thụ 154.000 tấn, chiếm 16% tổng sản lượng. Theo quy hoạch đến năm 2020, tỷ trọng này tối thiểu là 30%.

Năm 2013, Việt Nam NK khoảng 313.000 tấn cao su nguyên liệu (bao gồm cả cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên). Trong đó, khoảng 217.000 tấn cao su thiên nhiên chủ yếu nhập từ Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Malaysia.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nguyên nhân dẫn đến việc NK cao su nguyên liệu có số lượng lớn là do nhu cầu cao su tổng hợp khá cao (hiện chiếm khoảng 45% - 50% tổng nhu cầu cao su tại Việt Nam và toàn bộ đều phải nhập do trong nước chưa sản xuất được). Ngoài ra, nguyên liệu cao su thiên nhiên trong nước tuy nhiều, nhưng cơ cấu chủng loại phần lớn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, do vậy, gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Chất lượng mủ cao su sơ chế chưa ổn định và chưa đồng đều - cũng là một trở ngại trong việc nâng cao uy tín cho ngành cao su. Phần lớn DN cao su chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, làm giảm năng lực cạnh tranh trong khu vực…

Tái cơ cấu toàn diện

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su, thời gian qua, các DN đã tăng cường đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến, hoàn thiện hệ thống sản xuất, chú trọng khâu quản lý chất lượng cao su thiên nhiên sơ chế, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại. Đặc biệt, để khẳng định thương hiệu cao su Việt Nam, các DN đã mạnh dạn đưa ra nhiều chủng loại cao su thiên nhiên theo yêu cầu đa dạng của thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng quốc tế.

Bên cạnh đó, các DN XK cao su đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới, bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Phan Sỹ Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, cần phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện từ định suất đầu tư cho 1 ha cao su theo hướng tiết kiệm chi tiêu, nhưng phải bảo đảm chất lượng, năng suất, cải tạo vườn cây có năng suất thấp, sắp xếp lại nguồn lao động hợp lý.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê nhấn mạnh, tái cơ cấu lại khâu chế biến là cần thiết. Vì hiện tại, việc chế biến sản phẩm từ mủ và gỗ cao su của các công ty để xuất bán ra thị trường mới ở dạng thô nên giá trị gia tăng thu được là không cao. Do vậy, để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, cần phải tinh chế và đa dạng các sản phẩm từ mủ và gỗ cao su gắn với chiến lược khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả trong điều kiện giá mủ thấp hơn giá thành sản xuất hiện nay là điều không dễ dàng.

Các nhà kinh tế cho rằng, các DN cao su rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước và địa phương về gánh nặng tài chính. Theo đó, địa phương tiếp nhận mạng lưới hạ tầng cơ sở DN đã đầu tư để giảm bớt gánh nặng cho các công ty; cơ quan có thẩm quyền xem xét có chính sách cho các công ty vay vốn ưu đãi mua tạm trữ mủ cao su chờ giá bán mủ tăng lên; Chính phủ xem xét ban hành chính sách cho các công ty vay vốn lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp để hướng tới phát triển bền vững…

Hoan Nguyễn