Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, qua kiểm tra thăm đồng tại một số cánh đồng trồng lúa có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân dùng điện (điện lưới, máy phát điện, bình ắc quy...) để bẫy, bắt, diệt chuột. Đây là hành vi rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi (gia súc, gia cầm...) và tính mạng con người. Việc dùng điện dưới mọi hình thức để bẫy, bắt, diệt chuột là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đề xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, trước đó, tại Hải Phòng, ngày 25/3/2023 đã xảy ra 1 vụ chết người do dùng điện để diệt chuột tại xã Hồng Thái, huyện An Dương.
Để việc sản xuất trồng trọt an toàn, hiệu quả và kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng điện để bẫy, bất diệt chuột, giữ vững trật tự an ninh tại các địa phương. UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Công an xã) xây dựng kế hoạch, thành lập các Tổ công tác thường xuyên kiểm tra các trường hợp sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân các biện pháp diệt chuột an toàn bằng biện pháp thủ công, biện pháp sử dụng thuốc để diệt chuột.... khuyến khích người dân phát hiện và báo cáo các cơ quan chức năng đối với những hộ dùng điện bẫy, bắt, diệt chuột nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để phòng ngừa hậu quả xấu xảy ra. Nếu địa phương nào để xảy ra chết người do sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột, Chủ tịch UBND các huyện, quận phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.
UBND thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên điều tra nắm bắt diễn biến tình hình chuột hại và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các biện pháp phòng, chống chuột hại, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống chuột hiệu quá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng ở địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Giao các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng tuyên truyền, đưa tin, bài, hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả bảo vệ sản xuất, cảnh báo hành vi dùng điện để bẫy, bắt, diệt chuột là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Các Hội đoàn thể thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống chuột hại bảo vệ sản xuất trồng trọt an toàn, hiệu quả.
Quỳnh Nga (t/h)