Tòa soạn nhận được thông tin của các hộ dân xóm 9, xã Hải Sơn, Hải Hậu (Nam Định) phản ánh về việc: Những ngày gần đây, trang trại lợn của Trung tâm giống gia súc, gia cầm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định) hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi khó chịu nồng nặc, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình nơi đây, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là đang hiện hữu.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Đóa, người dân xóm 9, xã Hải Sơn cho biết: Trang trại lợn này rộng hơn 40 nghìn m2, có 9 dãy chuồng lớn, đã hoạt động nhiều năm nay; mới đây, Trung tâm giống gia súc, gia cầm Nam Định tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo và hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, không khí bốc mùi hôi, thối khó chịu, nhất là thời vào thời gian từ 14 giờ và đêm tối, khiến mọi sinh hoạt của 275 hộ dân xóm 9 với hơn 850 nhân khẩu nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là dong số 6, xóm 9, xã Hải Sơn với 30 hộ dân, gần 100 nhân khẩu đang sinh sống. Mỗi khi đến giờ ăn cơm, người dân phải đóng kín cửa nhà và đốt vỏ trấu ngoài sân, ngõ để khử bớt mùi hôi nồng nặc.
“Trước sự việc trên, người dân xóm 9 đã nhiều lần làm đơn thư phản ánh, kêu cứu đến các cấp chính quyền địa phương có biện pháp đề nghị đơn vị chăn nuôi xử lý, khắc phục sự cố trên, nhưng đến nay việc ô nhiễm vẫn chưa được xử lý triệt để”, ông Hoàng Văn Đóa bức xúc.
Theo ông Mai Văn Trưởng, người dân xóm 9, xã Hải Sơn, việc Trung tâm giống gia súc, gia cầm Nam Định chăn nuôi lợn mà không có biện pháp xử lý môi trường bảo đảm theo quy định, để xả thải trực tiếp ra sông cấp 3, sau đó tiếp tục chảy ra sông nội đồng nông thôn, gây ô nhiễm môi trường là không thể chấp nhận được; nếu đơn vị không nhanh chóng có biện pháp khắc phục, xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn nước và không khí môi trường sống của người dân địa phương thì sức khỏe người dân nơi đây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhất là cạnh gần trang trại lợn này có trường Mẫu giáo và trưởng Tiểu học của xã với hàng nghìn các cháu học sinh đang theo học. Đặc biệt là trang trại lợn này xây dựng chỉ cách nhà các hộ dân sinh sống chỉ khoảng 10m, trong khi pháp luật quy định đối với các trang trại lớn phải cách nhà dân 400m(?!)
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, Hải Hậu (Nam Định), Nguyễn Văn Chung cho biết:
Việc Trung tâm giống gia súc, gia cầm Nam Định hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân địa phương là thực tế, nhất là những ngày gần đây.
Trước thông tin phản ánh của người dân, chính quyền xã và lãnh đạo huyện đã đến kiểm tra thực tế hoạt động tại đơn vị này và cũng đã nhiều lần lập biên bản xác nhận sự việc. Thực tế tại thời điểm kiểm tra vào tháng 7/2021 xác định, tại 2 con sông xunh quanh trang trại có nước xả thải ra từ trang trại, nước sông có màu đen đặc, mùi hôi; người dân địa phương cũng đã lấp bịt đường ống nước thải từ trang trại này ra sông để tránh mùi hôi; địa phương cũng đã có nhiều lần làm việc, đề nghị phía Trung tâm này khẩn trương có biện pháp cụ thể, sớm khắc phục hậu quả trên và đến nay, đơn vị này cũng đã khắc phục, xử lý, tạm thời việc ô nhiễm môi trường, mùi hôi cũng đã giảm nhưng chưa triệt để. Phía trang trại cũng đã cam kết sớm có giải pháp khắc phục hoàn toàn sự cố trên.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, Vũ Văn Kỳ thông tin, sau khi phát hiện sự việc, địa phương đã lập đoàn kiểm tra, xác minh thực tế và được biết trang trại lợn này có nuôi khoảng 300 con lợn thịt và hơn 100 con lợn nái; do những ngày gần đây thời tiết mưa to nhiều đã gây ngập úng bể chứa làm tràn nươc thải ra sông, khiến bốc mùi hôi, làm ảnh hưởng đến môi trường không khí tại nơi đây; chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với đại diện trang trại đề nghị đơn vị khẩn trương khắc phục và có giải pháp, xây dựng, thiết kế hệ thống xả thải, bảo đảm khép kín theo tiêu chuẩn đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường; địa phương cương quyết xử lý vi phạm nếu đơn vị này vẫn không xử lý dứt điểm sự cố trên.
Làm việc với phóng viên, Phó giám đốc Trung tâm giống gia súc, gia cầm Nam Định, Hứa Sỹ Hồng cho biết: Trang trại này đã hoạt động từ 1968, đến năm 2016, cấp trên có chủ trương cải tạo, sửa chưa nâng cấp để nuôi lợn giống.
Những năm gần đây, tình hình dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị, giá lợn hơi xuống thấp nên trang trại phải chuyển lợn giống từ trang trại Nam Cường về đây để nuôi lợn thịt; những ngày gần đây do ảnh hưởng của tình hình thời tiết mưa nhiều, nước ngập, chảy qua hệ thống thoát nước từ bể Bioga của trang trại chảy ra cống nước, làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đơn vị đã lấp bịt đường nước thải ra cống và đã hạn chế được việc ô nhiễm, mùi hôi cũng đã giảm bớt. Trung tâm sẽ tiếp tục có những biện pháp xử lý, khắc phục triệt để sự việc nay, bảo đảm môi trường chung theo đúng quy định và sẽ chuyển hết số lợn thịt ra khỏi trang trại, chỉ nuôi lợn giống tại đây, ông Hứa Sỹ Hồng cam kết.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến vấn đề thủ tục giấy tờ pháp lý, hồ sơ đánh giá tác động môi trường... của trang trại trên thì vị này đã từ chối cung cấp thông tin, với lý do, không thể chia sẻ với báo chí (?!)
Để cuộc sống an sinh xã hội của người dân nơi đây bảo đảm, đề nghị chính quyền địa phương và Trung tâm giống gia súc, gia cầm Nam Định cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm sự cố trên, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường chung.
Điều 68 Luật bảo vệ môi trường 2014, số 55/2014/QH13, ngày 23/6/2014 của Quốc hội quy định bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
a) Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;
c) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;
d) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;
đ) Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.
Điều 4, Nghị định 179/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định
1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT, ngày 30/11/2019, Bộ NN&PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi quy định
Đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ: Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 100 m;
Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư là 150 m.
Đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa: Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 200 m;
Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến trường học, bệnh viện, chợ là 300 m.
Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 400 m;
Khoảng cách tối thiểu từ trang trại đến trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư là 500 m.
NK- NT