Tiêm vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi - Ảnh: TL

Trước đây cũng đã xảy ra tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ, nhưng chưa khi nào vấn đề lại căng thẳng, gây bức xúc trong dư luận như năm nay. Trước tình trạng này, bác sĩ nói "rất đắng lòng".

Mặc dù đại diện Bộ Y tế luôn khẳng định “sẽ bảo đảm việc cung ứng vắcxin dịch vụ” nhưng đến nay, vắcxin 5 trong 1, 6 trong 1, vẫn trong tình trạng“chưa rõ khi nào mới có”. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Lãnh đạo nhờ bố trí một liều vắcxin để tiêm cho cháu

Chia sẻ về tình trạng “cháy” vắcxin dịch vụ kéo dài suốt từ đầu năm đến nay, PGS.TS Nguyễn Văn Bình, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Tình trạng phập phù vắcxin dịch vụ thời gian qua đã gây ra sự căng thẳng trong cộng đồng.

Tôi đã nghỉ hưu một thời gian nhưng một lãnh đạo còn gọi điện, nhờ bố trí một liều vắcxin để tiêm cho cháu... Thực tế này cho thấy, cần có giải pháp bền vững cho vấn đề cung ứng vắcxin dịch vụ”.

Trên các website, facebook của các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng cung cấp TCDV, có rất nhiều người dân đặt câu hỏi: “Khi nào có vắcxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1?”Thế nhưng, chẳng hề có một phản hồi cụ thể nào từ các đơn vị TCDV.

Trước hết, cần phải đặt việc cung ứng vắcxin dịch vụ trong hệ thống cung ứng dịch vụ tiêm chủng chung của ngành y tế. Hiện tại, đang có sự phân tách khá rõ rệt giữa 2 hệ thống cung ứng dịch vụ tiêm chủng là Tiêm chủng mở rộng quốc gia - TCMR (hệ thống công lập) và tiêm chủng dịch vụ - TCDV (bán công lập và tư nhân).

Hệ thống cung ứng vắcxin và dịch vụ TCMR đã bao phủ rộng khắp tới 100% tuyến xã, còn hệ thống TCDV chủ yếu mới tới tuyến tỉnh, thành phố với số điểm tiêm chủng còn hạn chế. Trung bình mỗi năm TCMR cần khoảng 35 - 40 triệu liều vắcxin (chủ yếu là vắcxin nội), còn vắcxin dịch vụ là hơn 3 triệu liều (2/3 là nhập ngoại).

Theo các chuyên gia y tế, trước đây cũng đã xảy ra tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ, nhưng chưa khi nào vấn đề lại căng thẳng, gây bức xúc trong dư luận như năm nay.

Nguyên nhân do chính Bộ Y tế đưa ra là “nhận thức của người dân đối với tác dụng và tính an toàn của tiêm vắcxin sau một số tai biến xảy ra thời gian qua đã làm giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêm chủng nói chung và tiêm vắcxin dịch vụ nói riêng. Một số doanh nghiệp đã nhập vắcxin nhưng không tiêu thụ được trong năm 2013 nên hạn chế số lượng nhập khẩu cho năm 2014...”.

Nói cách khác là sau những tai biến tiêm chủng nghiêm trọng từ TCMR, nhiều bà mẹ đã “quay lưng” lại với vắcxin miễn phí, thậm chí không đưa trẻ đi tiêm chủng nhiều loại vắcxin TCMR.

Chỉ khi dịch sởi đầu năm bùng phát với hơn 150 trẻ tử vong, cộng với những cảnh báo của các chuyên gia y tế về nguy cơ mắc bệnh dịch thủy đậu, viêm não..., các bà mẹ mới lo lắng, đổ xô đưa trẻ đi TCDV vì cho rằng “an toàn hơn TCMR”.


Người dân Hà Nội tự đăng ký số thứ tự trước sau để xếp hàng cho có trật tự và không bị "ăn gian". Ảnh TL

Phản ánh từ các cơ sở TCDV cho thấy, nhiều người dân từ các tỉnh xa đã đổ về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để TCDV, thậm chí không ít người lớn cũng đổ dồn đi tiêm vắcxin ngoại... Trước sự gia tăng nhu cầu TCDV một cách đột biến này, tất nhiên là các cơ sở TCDV đã trở tay không kịp. Bởi lẽ, với số lượng vắcxin ít, còn có thể yêu cầu đơn vị cung ứng, nhà sản xuất điều tiết từ các thị trường khác nhưng với lượng vắcxin quá lớn thì đó là điều không thể.

Để chấm dứt tình trạng “cháy” vắcxin dịch vụ, ngành y tế sẽ phải triển khai thêm rất nhiều giải pháp như: Tăng số lượng chủng loại vắcxin được sản xuất và nhập khẩu để tăng khả năng lựa chọn, thay thế của người dân khi cần thiết; rà soát để giảm thiểu một số chính sách có thể gây cản trở cho việc cấp phép, lưu hành, nhập khẩu, phân phối tổ chức tiêm chủng vắcxin.

Đặc biệt, cần xây dựng một chương tình truyền thông, giáo dục về tiêm chủng quy mô quốc gia. Chỉ khi người dân hiểu đúng về vắcxin và tiêm chủng thì mới chủ động đưa con em mình đi tiêm chủng thường xuyên, trước mùa dịch, tránh được làn sóng tâm lý biến động theo chiều hướng tiêu cực như: Không đi tiêm chủng hoặc đổ dồn đi tiêm khi dịch xảy ra.

Trước thực trạng trên, đại diện Bộ Y tế khẳng định đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung vắcxin dịch vụ như: Cấp phép nhập khẩu khẩn cấp hàng chục nghìn liều liều vắcxin thủy đậu; ưu tiên kiểm định đối với các lô vắcxin sản xuất và nhập khẩu phục vụ phòng chống bệnh dịch, yêu cầu các công ty sản xuất và nhập khẩu vắcxin tích cực tìm nguồn cung và chủ động liên hệ với các đơn vị tiêm chủng để cung ứng kịp thời...

Tuy nhiên, thực tế thì vắcxin dịch vụ luôn được cung ứng “nhỏ giọt” và người dân vẫn đang “ngóng” vắcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 từng ngày.

Trên các website, facebook của các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng cung cấp TCDV, có rất nhiều người dân đặt câu hỏi: “Khi nào có vắcxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1?”; thế nhưng, chẳng hề có một phản hồi cụ thể nào từ các đơn vị TCDV.

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia dự phòng cho biết, về nguyên tắc, cần 6 - 9 tháng kể từ khi đặt hàng mới sản xuất được 1 lô vắcxin và cũng chỉ với một số lượng nhất định.

Điều đó đồng nghĩa với việc trong ngắn hạn, các “thượng đế” sẽ tiếp tục phải chờ đợi và buộc phải chấp nhận tình trạng vắcxin dịch vụ được cung ứng kiểu “lúc có, lúc không” như hiện tại.


Người dân Hà Nội xếp hàng tại Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế để chờ lấy số tiêm. Có người có mặt từ lúc 5 giờ sáng. Ảnh TL

Bác sĩ đắng lòng

Phản ứng trước việc có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cháy” vắcxin dịch vụ thời gian qua là do các đơn vị TCDV không dự trù hoặc dự trù nhập vắcxin không sát với thực tế, BS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi rất đắng lòng khi dư luận cho rằng các cơ sở TCDV không dự trù kế hoạch hàng năm, trong khi, đó là công việc mà chúng tôi luôn chú trọng nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của đơn vị”.

BS Nguyễn Minh Hồng, Phó Trưởng trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật y tế dự phòng, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng “lên tiếng”: “Khi thấy vắcxin trong kho sắp hết chúng tôi cũng rất lo lắng. Chúng tôi luôn phải dự trù số lượng vắcxin cho cả năm và nắm vững số lượng vắcxin có cũng như tiến độ nhập vắcxin hàng tháng”.

Thực tế thì vắcxin dịch vụ luôn được cung ứng “nhỏ giọt” và người dân vẫn đang “ngóng” vắcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 từng ngày.

Mặc dù các cơ sở TCDV đều khẳng định đã lên kế hoạch dự trù vắcxin cho từng năm, nhưng mấu chốt ở chỗ những dự trù này lại chưa sát với diễn biến dịch bệnh và nhu cầu thực tế của người dân.

Đúng như đánh giá của một đại diện Hội Y học dự phòng Việt Nam: “Hiện nay, khả năng dự báo nhu cầu vắcxin của hệ thống TCDV rất hạn chế, chủ yếu chỉ dựa vào kế hoạch của thời gian trước cùng một số căn cứ mang tính chủ quan của từng nhà phân phối vắcxin hay cơ sở cung ứng tiêm chủng, thiếu các căn cứ khoa học xác đáng”.

Phân tích vấn đề dưới góc độ rộng hơn, một chuyên gia dự phòng đầu ngành khẳng định: “Nguyên nhân vấn đề không do các cơ quan chức năng chậm trễ trong việc đặt hàng, cấp phép nhập vắcxin hay vướng mắc từ phía nhà sản xuất.

Việc dự trù vắcxin dịch vụ cũng là một vấn đề rất khó khăn, vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của người dân, nhận thức và khả năng chi trả của họ. Dễ nhận thấy thực tế là nếu tình hình dịch bệnh yên ả thì người dân “quên” không đi tiêm chủng; nhưng nếu diễn biến bất thường thì lại đổ xô đi tiêm vắcxin.

Các đơn vị cung ứng vắcxin dịch vụ dù trước đó đã có kế hoạch nhưng cũng phải “tính toán” chặt chẽ để việc nhập hàng đạt hiệu quả kinh tế, nếu nhập “quá tay” thì sẽ phải “gánh” phần thua lỗ vì vắcxin vốn có hạn sử dụng ngắn, cần phải bảo quản chặt chẽ, đúng quy định...


Trẻ được tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản tại Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh. Ảnh TL

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:

Hướng dẫn người dân sử dụng vắcxin tương tự trong TCMR hoặc các vắcxin có sẵn Để tăng cường quản lý công tác tiêm chủng, Cục Y tế Dự phòng đang nỗ lực sửa đổi, bổ sung cụ thể các quy định về sử dụng vắcxin, trong đó, yêu cầu các cơ sở phải báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về tình hình sử dụng, phản ứng sau tiêm thông thường và tai biến nặng.

Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng chủ động đặt hàng để được cung cấp đủ vắcxin, hướng dẫn người dân sử dụng vắcxin tương tự trong TCMR hoặc các vắcxin có sẵn, tổ chức thêm điểm tiêm, tăng thời gian để tránh quá tải. Xây dựng kế hoạch truyền thông toàn diện để người dân tích cực tham gia tiêm chủng phòng bệnh, đặc biệt là sử dụng vắcxin thường xuyên trong TCMR. Tạo điều kiện đăng ký lưu hành để nhiều loại vắcxin được đăng ký sử dụng tại Việt Nam.

Đề nghị các công ty nhập khẩu mở rộng đàm phán với các nhà sản xuất mới để tăng số lượng nhập khẩu vắcxin khi cần thiết. Yêu cầu các cơ sở TCDV lập danh sách các đối tượng đến tiêm chủng báo cáo TTYTDP tỉnh để tiếp tục thông báo cho các tuyến nhằm quản lý những đối tượng thuộc TCMR nhưng sử dụng vắcxin dịch vụ.

Phương Liên – Hà liên (Tin Tức)