Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có tác động thế nào lên nền thương mại toàn cầu?
Vừa qua, vào ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (một loại gạo phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ và khu vực Nam Á) và có hiệu lực ngay thời điểm ban hành. Theo chính phủ, động thái này của quốc gia châu Á nhằm đảm bảo giá thấp hơn và có đủ hàng trong mùa lễ hội sắp tới. Giá gạo trong nước đang có xu hướng tăng. Giá bán lẻ đã tăng 11,5% trong một năm và 3% trong tháng qua như tuyên bố của Bộ Lương thực Ấn Độ.
Gạo là loại thực phẩm quan trọng với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi. Ấn Độ là nước sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới.
Động thái này đã gây ra sự gia tăng tức thời về giá gạo trên thị trường toàn cầu. Các biện pháp hạn chế của Ấn Độ, vốn được áp dụng với gạo tẻ thường, được tính đến để kiểm soát giá cả, thế nhưng cũng gây ra căng thẳng lên thị trường thực phẩm toàn cầu vốn trước đó đã đương đầu với nhiều khó khăn bởi thời tiết xấu và xung đột căng thẳng tại Ukraine. Giá gạo hiện đã lên ngưỡng cao nhất trong 2 năm bởi những nỗi sợ về khả năng El Nino sẽ gây tổn hại đến mùa vụ.
Động thái này của Ấn Độ đã tạo ra làn sóng mua trong hoảng sợ tại nhiều quốc gia. Nhiều đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy người dân và doanh nghiệp đổ xô đi mua gạo, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Tại nhiều nước, từ Mỹ cho đến Canada hay Australia, thông tin về việc người dân và doanh nghiệp nghiệp chạy đua mua gom gạo đã thu hút sự quan tâm.
Theo các báo cáo ở Mỹ, lượng mua bán gạo đã tăng nhanh khi các cộng đồng châu Á lo lắng, những người mà gạo là lương thực chính, đã đổ xô đến các cửa hàng. Các cửa hàng của các thương hiệu lớn cũng chứng kiến sự tranh giành tương tự. Tất cả các loại gạo kể cả gạo basmati đã được bán hết trong vài giờ vào ngày 21/7.
Nhiều cửa hàng phải áp quy định hạn chế khối lượng mua, nhiều cửa hàng tăng giá để có thể tranh thủ kiếm lời. Nhiều nhà hàng Ấn Độ trên khắp thế giới trong khi đó lo sợ về khả năng thiếu gạo sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.
Các thị trường chính của gạo Ấn Độ là các nước châu Phi. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan là những nhà sản xuất hàng đầu và là nhà cung cấp gạo lớn trên toàn cầu. Theo báo cáo phương tiện truyền thông, Thái Lan và Việt Nam không có đủ hàng tồn kho để bù đắp sự thiếu hụt. Các chuyên gia cho rằng người mua châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định của Ấn Độ.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo là cơ hội hay rủi ro với Việt Nam?
Đối với Việt Nam, gạo Việt Nam xuất khẩu hiện tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023 cả nước xuất khẩu 617.998 tấn gạo, tương đương 340,77 triệu USD, giá trung bình 551,4 USD/tấn, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về kim ngạch nhưng tăng nhẹ 2,3% về giá so với tháng 5/2023; so với tháng 6/2022 cũng giảm 14,9% về lượng, giảm 3,9% kim ngạch nhưng tăng 13% về giá.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,24 triệu tấn, tương đương gần 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng, tăng 32,2% về kim ngạch so với 6 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 532,6 USD/tấn, tăng 9%.
Việc Ấn Độ cấm XK gạo trước mắt chưa ảnh hưởng lớn, tuy nhiên sau đó giá gạo được dự báo sẽ tăng. Động thái của Ấn Độ trước mắt mở ra cơ hội cho những DN có hàng tồn kho, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro đối với doanh nghiệp không có hàng.
Động thái của Ấn Độ xuất hiện cùng với nguồn cung trên thế giới gần đây hạn chế, nên nhiều khách hàng chuyển sang đặt hàng gạo Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang tập trung lo xử lý các đơn hàng đã ký, mặt khác, giá lúa mua vào đang tăng cao (có ngày tăng từ 100-300 đồng/kg) nên doanh nghiệp e ngại vì giá gạo xuất khẩu chưa theo kịp.
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguồn cung gạo của Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu của các nước. Ngược lại, dù là cường quốc XK gạo trên thế giới nhưng hằng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo (phần lớn là từ Ấn Độ) để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi...
Ngay sau khi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ được ban hành, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hoả tốc gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và nhấn mạnh việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước; bên cạnh đó tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.
Với thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Thùy Linh (T/h)