Để trở thành một phóng viên nổi tiếng trong điều tra về tội phạm có tổ chức quốc tế ở khu vực châu Mỹ - Latinh, có lẽ bà đã trải qua rất nhiều khó khăn khi là nữ?
Đúng vậy! Đối với bọn tội phạm quốc tế có tổ chức, nhất là bọn tội phạm mua bán ma túy, thì sự liều lĩnh và nguy hiểm luôn là mối đe dọa hàng đầu cho những nhà báo khi tham gia điều tra, ngay cả với những nhà báo là nam giới.
Nhà báo Ana Anara trong một buổi nói chuyện trực tuyến với các nhà báo Việt Nam ở hai điểm cầu TP.HCM và Hà Nội (Ảnh: Bảo Lan)
Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu ai đã chọn cho mình nghề báo để dấn thân, thì cái nghề sẽ đem lại cho họ nhiều vinh quang nếu họ biết trân trọng với nghề. Vì chỉ có như vậy, chúng ta mới dám dấn thân, mới có được những bài viết phản ánh đúng bản chất của vụ việc và quan trọng hơn là họ sẽ luôn tuân thủ theo những nguyên tắc mà nghề báo đòi hỏi CẦN PHẢI CÓ, trong đó đạo đức nghề báo để xã hội tốt đẹp hơn không thể thiếu.
Cái tên “Ana Arana” đã trở nên quen thuộc không chỉ trên các trang tạp chí nổi tiếng của Mỹ, mà với nhiều băng nhóm tội phạm về ma túy ở khu vực châu Mỹ - Latinh cũng không còn xa lạ. Bà có thể chia sẻ đôi điều về những kết quả đã đạt được?
Trước đây, tôi từng là phóng viên thường trú tại El Salvador, Guatemala và Nicaragua trong cuộc nội chiến Trung Mỹ và tại Columbia trong cuộc chiến ma tuý chống các tập đoàn Colombian Medellin và Cali Drug để viết bài cho The Miami Herald, The Baltimore Sun, The Fort Lauderdale Sun-Sentinel và CBS News. Tôi cũng có thời gian làm phóng viên chuyên viết về các băng nhóm ma túy địa phương cho tờ San Jose Mercury News of California.
Hiện nay, tôi viết bài cho nhiều báo và tạp chí như Foreign Affairs, Marie Claire, Newsweek, Salon.Com, The Colombia Journalism Review (Columbia University, New York), the Daily News, Business Week, và the Village Voice…
Tôi cũng có một số tác phẩm đã xuất bản: Phóng viên đối mặt với hiểm nguy (“Journalists In Peril”, loạt sách nghiên cứu về báo chí); Câm lặng: Những vụ sát hại nhà báo nhập cư chưa có lời giải tại Hoa Kỳ ("Silenced: the Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States”, Ủy ban Bảo vệ nhà báo); Những vụ án chống lại báo chí ở châu Mỹ - Latinh hiện vẫn chưa có lời giải ("Unsolved Crimes Against the Press in Latin America", 2 tập, Hiệp hội Báo chí Liên Mỹ).
Vậy theo bà, để trở thành một nhà báo thật sự và xứng đáng với tên gọi đó, thì đâu là giá trị cốt lõi mà mỗi nhà báo cần phải có?
Xã hội nào và môi trường nào hay bất cứ quốc gia nào cũng có nhiều nghề và lắm nghiệp. Nghề nghiệp như là duyên nợ đối với mỗi số phận của từng con người vậy, vì thế, ai đã chọn nghề báo là biết rõ mười mươi những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi.
Tuy nhiên, để tránh được những khó khăn, nguy hiểm đó và đóng góp những sự tốt đẹp cho xã hội, cũng như gặt hái vinh quang cho bản thân, tôi cho rằng, bản thân mỗi nhà báo cần phải có và không thể thiếu 5 vấn đề về đạo đức báo chí đó là: Sự chân thực và chính xác trong việc phản ánh thông tin (1); Tác nghiệp độc lập với mục đích mang lại lợi ích cho xã hội (2); Công bằng và khách quan đối với từng vụ việc (3); Mọi thông tin được phản ánh cần phải có tính nhân văn (4) và cuối cùng Tính minh bạch nhằm mục đích cho mọi người cùng biết, cùng chia sẻ và nâng cao sức cạnh tranh về thông tin để thu hút độc giả đến với báo (5).
Được biết, hoạt động báo chí ở châu Mỹ - Latinh và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về 5 vấn đề trên?
Như tôi đã nói vừa rồi, xã hội nào và môi trường nào hay bất cứ quốc gia nào cũng có nhiều nghề và nghề báo cũng là một nghề mà bất cứ xã hội nào cũng cần phải có. Bởi nó giúp cho xã hội nhìn nhận và hiểu hơn về các vấn đề của đời sống xã hội, thông qua những bài viết có phân tích, có đánh giá và nhìn nhận của nhà báo.
Tuy nhiên, để những hiểu biết của độc giả hay cái nhìn của xã hội đúng bản chất sự việc, thì nhà báo nên phản ảnh vấn đề một cách chân thực, nghĩa là “thấy gì nói đó, thấy sao nói vậy”! Chúng ta không được thêm bớt bằng các suy đoán của bản thân hay đặt bản thân mình vào từng nhân vật để phản biện theo cách của mình. Bên cạnh đó, sự công bằng, khách quan, nhân văn và tính minh bạch cần được nhà báo phát huy trong từng bài viết của mình. Bởi vì, chỉ khi phản ánh một cách khách quan, chúng ta mới đem lại công bằng và một kết quả nhân văn cho xã hội mà mục đích khi chúng ta chọn nghề báo đã xác định.
Hiện nay, có một thực trạng làm báo đang nổi lên đó là sử dụng tư liệu và hình ảnh từ các trang mạng xã hội, có lẽ không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng, mặc dù cách thức hoạt động báo chí có phần khác nhau. Tuy nhiên, một bài viết hay, có chất lượng, thì cần phải được tiếp cận từ nhiều nguồn khác nhau. Càng nhiều nguồn thì cách nhìn về sự việc càng khách quan và chính xác. Vì thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi bắt gặp một thông tin từ ai đó, hay từ trang mạng xã hội, block cá nhân, nhà báo cần kiểm chứng nguồn tin, nếu chưa chính xác chúng ta không vội viết, để tránh gây ra những phiền phức, thiệt hại cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mỗi nhà báo không chỉ cần có đam mê và sự yêu nghề, mà ở đó còn phải có đạo đức nghề để những giá trị mà nghề báo đem lại đều được trân quý và có giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội (Ảnh:Bảo Lan)
Trong hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay, nhà báo - hay nói khác hơn ở một số tòa soạn báo, thường tìm cách né tránh các xung đột về lợi ích nhóm? Vấn đề này, bà có gặp khi làm việc ở khu vực châu Mỹ - Latinh?
Tôi cho rằng, trong cơn lốc nền kinh tế và chính trị không ngừng thay đổi, dường như báo chí cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nước Mỹ, cho dù đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua, nhưng cũng rất khó khăn trong việc đưa tin. Bởi quyền lợi của các nhóm, đảng phái sẽ khiến các nhà báo khó có thể phản ánh và tìm cách tránh đi các xung đột về lợi ích nhóm, đưa các nhà báo trở thành người phải “cân, đo, đong, đếm” khi đưa tin bài. Tôi ví dụ, ngay trong việc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, mỗi đảng phái họ cũng có những nhà báo chạy theo từng cá nhân đại diện cho đảng phái đó.
Nhưng dù là báo chí theo đường lối của nhà nước hay độc lập, thì báo nào cũng phải nỗ lực vược lên để thể hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận. Sự cạnh tranh giữa các tòa soạn trong việc đăng tải các thông tin trên mọi lĩnh vực, cần phải được chuyển tải kịp thời và chính xác. Tính độc quyền hay thích chia sẻ, không phải lúc nào cũng ôm khư khư cái nguyên tắc ấy, để có thể làm tăng lượng độc giả mỗi ngày nếu các thông tin mang tính khách quan, xác thực và nóng hổi.
Và cuối cùng, bà có điều gì muốn chia sẻ với những nhà báo Việt Nam, nhân dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam?
Theo báo cáo của Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) thì, nghề báo là “một trong những nghề nguy hiểm”. Vì vậy, nếu những ai đã xác định chọn nghề báo để đeo đuổi, thì hãy dấn thân với nghề! Bởi không chỉ là yêu nghề, để viết cho vui, để thỏa mãn đam mê…, mà có thể thành công. Nghề báo, còn phải biết trân trọng với công việc của mình và quan trọng hơn, mỗi nhà báo, phóng viên cần phải có đạo đức.
Bên cạnh đó, tính sáng tạo, kỹ năng bảo vệ bản thân đối với những vụ điều tra nguy hiểm là phải biết ngừng ngay cuộc điều tra để bảo vệ tính mạng. Chúng ta làm nghề, nhưng không phải làm nghề bằng mọi giá và cũng không phải có tin - bài cho bằng được, nếu bản thân đang gặp nguy hiểm. Bởi mục đích và nhiệm vụ của chúng ta đó là làm cho xã hội tốt đẹp hơn, con người đối xử với nhau công bằng và nhân văn hơn.
Việt Nam có câu danh ngôn “nghề là nghiệp” và tôi nghĩ, những người làm báo không ngoại lệ. Tôi xin gửi lời chúc đến tất cả các anh chị nhà báo, phóng viên Việt Nam luôn sức khỏe, hạnh phúc, có nhiều bài viết hay và đã chót yêu nghề thì hãy hết lòng với nghề để có thể không giàu sang, nhưng cũng đáng để bản thân mỗi nhà báo, phóng viên xứng đáng được tự hào…
Xin cảm ơn và chúc bà tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp báo chí của mình.
Bảo Lan (Thực hiện)