THCL Thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn) ẩn khuất sau những dãy núi vùng sát biên giới Việt – Trung. Nhiều năm qua, người dân nơi đây luôn phải hứng chịu nguồn nước và không khí độc từ Công ty CP Thương mại sản xuất da Nguyên Hồng thải ra.

Dù địa phương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra xuống thanh tra, nhưng mọi kết luận đều “an toàn” nên nhà xưởng vẫn tiếp tục hoạt động (?).

Theo người dân, trước đây, suối trong lành và rất nhiều cá. Nhưng từ khi khu nhà xưởng sản xuất da thủ công của một người trong thôn được dựng lên, bắt đầu hành trình “phá hủy” không khí và nguồn nước nơi đây. Do lợi nhuận và sự “lặng thinh” của chính quyền, cái nhà xưởng nhỏ mỗi ngày một phình to. Đến nay, diện tích đã chạy dài gần 1 km, trở thành một công ty tầm cỡ ở nơi này.

Ông Nguyễn Khắc Vang (thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ) bức xúc: Trước khi nhà máy mọc lên, cái suối như ao nhà, cá bằng bàn tay, chỉ cần đi 15 - 20 phút về là có bữa ăn tươi. Nhưng giờ đây, gà vịt không dám thả, vì thả là chết, cá cũng chết sạch. Khoảng 2 tháng gần đây, nhà máy làm ao qua cái công trình nước thải. Mưa to là công ty tháo cống. Mặc dù ở xuôi chiều gió, nhưng khi nước được xả xuống thì mùi hôi thối hắt từ dưới lên. Giờ lại “mọc” thêm cái xưởng thuộc da, luôn bốc mùi nông nặc. Người dân đã gửi đơn lên UBND xã, nhưng “không ăn thua”!


Mùa hè, nhất là những ngày nồm, mùi hôi thối xông lên khắp thôn. Những nhà phía trên gần với xưởng sản xuất, cả ngày không dám mở cửa. Cán bộ môi trường về kiểm tra, nhưng họ đâu có lấy nước dưới suối về thử? Thành ra, chỉ người dân trong thôn phải gánh chịu, chẳng còn biết kêu ai.

Anh Hoàng Văn Hậu, Trưởng thôn Nà Mò nói: Người dân phản ánh nhiều rồi, nhưng lãnh đạo địa phương cứ bảo thế này thế nọ, hứa “sẽ kiểm tra” nhưng chẳng thấy đâu ra đâu cả. Chúng tôi ở cách xa cả km, nhưng có đêm khét mùi không thể ngủ được.

Cũng theo anh Hậu: “Nhà máy bị người dân phản ánh “rát” quá nên gần đây đã làm mấy cái bể lọc. Tuy nhiên, hễ trời mưa to, nhà máy sẽ lợi dụng để xả thải ra suối. Ngoài ra, cá dưới suối trước nhiều lắm, nhưng giờ thì còn đâu nữa, nước ô nhiễm nhiều quá mà, giờ đến chúng tôi xuống suối còn ngứa hết chân, lở loét thì còn cá nào  sống được? Bà con ở đây bệnh tật cũng nhiều lắm, mới đây nhất là bà Kim gần nhà máy 100 m, mới bị ung thư”...

Người dân lo lắng nhất là nguồn nước sinh hoạt. Trước đây, bà con thường lấy nước suối để dùng. Thế nhưng, suối ô nhiễm, nhiều gia đình phải đào giếng khoan.

Vừa rồi, đại diện thôn có phản ánh lên cấp trên là “làm thế nào để xử lý mùi hôi thối?”. UBND xã báo cáo 2 - 3 tháng đi kiểm tra 1 lần, rồi cũng có đoàn cán bộ môi trường về kiểm tra, nhưng “toàn xin cái nước giếng khoan hoặc nước giếng khơi người dân đang dùng về xét nghiệm”, chứ họ không hề lấy nước suối?.

Tuệ Thư