Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Nhà nho Lương Văn Can: Người thầy của giới doanh nhân

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng tiến bộ về kinh thương và cổ súy cho đạo làm giàu của cụ Lương Văn Can vẫn phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam, cũng như tư tưởng kinh doanh của thời đại. Các thế hệ doanh nhân Việt Nam luôn xem cụ như “Người thầy của giới doanh nhân”.

1. Nhà nho Lương Văn CanNhà nho Lương Văn Can

Khí phách khảng khái, cương trực

Cụ Lương Văn Can (1854 - 1927), tên tự là Ôn Như, hiệu là Sơn Lão - là một nhà cách mạng Việt Nam và là một trong những người sáng lập ra Trường Đông Kinh Nghĩa thục năm 1907.

Cụ sinh ra ở làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường TínHà Nội), trong một gia đình thanh bạch. Tuổi nhỏ, nhà nghèo, hiếu học, có lúc cụ làm thợ để có tiền theo học.

Năm 21 tuổi, cụ thi Hương đậu cử nhân (vì đỗ cử nhân nên thường được gọi là “cụ Cử Can”; năm sau thi Hội nhưng không cập đệ. Từ đó, cụ cũng giã từ luôn khoa cử và công danh dưới chế độ phong kiến, thực dân.

Triều đình Huế bổ nhiệm cụ giữ chức Giáo thụ phủ Hoài Đức, cụ không nhận.

Chính phủ Pháp cũng có lần cử cụ vào Hội đồng Thành phố Hà Nội, cụ cũng từ chối.

Cụ ở nhà mở trường dạy học, cùng vợ mở ngôi hàng ở số 4 Hàng Đào (Hà Nội).

Sớm có lòng yêu nước, có chí tự lập, có khí phách khảng khái, cương trực mà lại trầm tĩnh, hòa nhã (biệt hiệu Ôn Như), cụ có phong độ của một nhà giáo dục gương mẫu, đồng thời rất nhạy cảm với cái mới, với tinh thần cách mạng, duy tân thời bấy giờ.

Đứng ra chủ trì Đông Kinh Nghĩa thục, cụ không những cống hiến trí tuệ, sức lực mà cả sản nghiệp của mình. Nhà cửa của cụ được dùng làm cơ sở dạy học của trường, từ phố Hàng Đào sang Hàng Quạt. Công việc kinh doanh của hai cụ trước sau đóng góp phần tài chính cho hoạt động của trường, các con cháu đều tham gia công việc của trường và phong trào yêu nước.

Lúc Nghĩa thục bắt đầu hoạt động, cụ đã ngoài 50 tuổi, vào bậc trưởng thượng, được kính nể, có uy tín trong các sỹ phu đương thời, làm trung tâm đoàn kết, tập hợp họ để giáo huấn cho người học. Cụ không để lại nhiều thơ văn, song trong việc biên tập, trước các tài liệu dạy học của Nghĩa thục, chắc chắn có sự tham gia, đóng góp của cụ.

Khi thực dân Pháp khủng bố nhà trường, cụ và một số yếu nhân của Nghĩa thục bị bắt, nhiều người bị kết án đày ra Côn Đảo, chịu cảnh lưu đày khổ sai ngoài đảo.

Năm 1913, cụ bị thực dân Pháp "an trí" tại Phnom Penh (Campuchia), 10 năm sau mới được trở về Hà Nội. Các nhà trí thức yêu nước lúc bấy giờ, tuy bị đày ải khổ cực về thể xác, song uy tín tinh thần của họ trong nhân dân lại rất cao, cho nên giới cầm quyền thường bao vây, cấm vận họ để ngăn chặn ảnh hưởng của họ.

Trở lại Hà Nội, nhà số 4 Hàng Đào, cụ lại mở trường dạy học, học trò khá đông, tuy không còn quang cảnh Đông Kinh Nghĩa thục ngày xưa, song vang bóng của nó trong những năm 1920, nhất là trong các năm 1925, 1926 - thế kỷ XX vẫn còn rõ rệt, rầm rộ.

Nghiên cứu về cuộc đời cụ Lương Văn Can, nhà văn Hoài Anh viết:

“Trước kia, cụ dạy học thường nóng tính, hay đánh học trò. Ngay cả con trai là Lương Ngọc Quyến, cũng thường bị cụ dùng thước kẻ gõ vào đầu, vì Lương Ngọc Quyến ghét học văn, thích học võ.

Nhưng từ khi tiếp thu tân học, cụ Lương Văn Can trở nên mát tính, không bao giờ gắt mắng học trò, với con cháu trong nhà, cụ cũng để cho tâm tính tự do phát triển, không can thiệp vào một các thô bạo.

Phương pháp sư phạm của cụ cũng có đổi mới. Từ đó, cụ nảy ra sáng kiến lập Trường Đông Kinh Nghĩa thục” (“Những gương mặt trí thức”).

2. Trường Đông Kinh nghĩa thục (ngôi nhà có 3 vòm cửa màu trắng) tại phố Hàng Đào, Hà Nội đầu thế kỷ XXTrường Đông Kinh Nghĩa thục (ngôi nhà có 3 vòm cửa màu trắng) tại phố Hàng Đào, Hà Nội đầu thế kỷ XX

Kinh doanh - cần phải trung thực

Cụ Lương Văn Can mất ngày 13/6/1927, tại Hà Nội. Khi mất, cụ còn lưu lại lời trối dạy con cháu “Bảo quốc túy, tuyết quốc si”.

Điều đáng chú ý, để có tài liệu giảng dạy, cụ Lương Văn Can đã viết những tác phẩm như Quốc sự phạm lịch sử, Hán tự tuyệt kính, Âm học tùng đàm, Gia huấn, Hán tự quốc âm, Hạnh đàm loại ngữ, Châu thư loại ngữ…

Đến bây giờ, một cuốn sách của cụ viết vẫn còn có ý nghĩa thời sự đó là Thương học phương châm. Với cuốn sách này, cụ đã trở thành người đầu tiên viết sách dạy buôn bán ở Việt Nam.

Trong thời gian bị đầy ra Côn Đảo và  Campuchia, cụ đã cùng với vợ lập một đường dây xuất khẩu hàng hóa giữa Hà Nội và thị trường Phnom Penh (Campuchia).

Cụ Lương Văn Can đã viết 2 cuốn sách bàn về việc kinh doanh: “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học châm ngôn”. Đây được coi là 2 cuốn sách bàn về buôn bán và cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam nên cụ Lương Văn Can còn được coi là “Người thầy của doanh thương Việt Nam".

Bàn về đạo đức kinh doanh, cụ Lương Văn Can viết:

“Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là, nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy. Giả dụ như người tích lũy gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa độc ác.

Lại có người kinh doanh chuyên làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép kinh doanh vậy!”.

Cụ Lương Văn Can không chỉ hướng dẫn cụ thể về nghề thương mại, mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế, mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta.

Lời tựa của cuốn sách, cụ viết:

“Đương thời buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài, thi sức, ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh - suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được”.

Nội dung sách của cụ, gồm các mục như tư bản, tổ chức sự buôn, tính toán, sổ sách, thư từ, thương hiệu, thương địa, thương điếm, bày hàng, quảng cáo, giao tế tiếp giản, điều lệ nhà băng, sự buôn bán ở nước ta...

Cụ cũng chỉ ra những hạn chế trong năng lực thương mại của ta lúc bấy giờ.

3. Đến phố Lương Văn Can (Hà Nội) ngày nay, du khách cảm nhận đầu tiên là phố đồ chơi dành cho con trẻĐến phố Lương Văn Can (Hà Nội) ngày nay, du khách cảm nhận đầu tiên là phố đồ chơi dành cho con trẻ

Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt

Trong cuốn “Sách Lương Văn Can - Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt”, có đề cập nhiều đến vấn đề kinh doanh.

Theo đó, trong thời gian kiếm kế sinh nhai tại Nam Vang (tên phiên âm của Phnôm Pênh), cụ Lương Văn Can đã phát hiện ra nơi đây chính là một thị trường đầy tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ. Hàng hóa sơ sài và việc buôn bán cũng không mấy được chú trọng phát triển.

Có lẽ, đây là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của cụ Lương Văn Can, một giai đoạn cụ tham gia vào việc làm kinh doanh và thành công ở ngay trên đất khách, trong hoàn cảnh của một tù giam lỏng.

Điều đó cho thấy tài năng của cụ trong việc kinh doanh. Nếu như trước đây, cụ cùng những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục hô hào chấn hưng thực nghiệp, cổ vũ nghề kinh doanh buôn bán thì nay, cụ có điều kiện để thực hành những lý thuyết mà các cụ đề xướng.

Triết lý về thông thương

 

Cụ Lương Văn Can là một trong những người ủng hộ hết lòng cho sự phát triển của thương nghiệp.

Khó ai có thể hình dung một vị nho học cách chúng ta gần 1 thế kỷ đã nhìn thấy tầm quan trọng của nghề kinh doanh đối với sự phát triển của dân tộc.

Thời đó, cụ đã nhìn thấy một sự giao thương mang tầm quốc tế:

Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu cũng dễ.

Tục ngữ có câu: “Phi thương bất phú”! Các đại quốc, do thông thương mà làm được phú cường. Các nhà đại tư bản, do kinh thương mà phú gia địch quốc. Thế thì, sự buôn cũng không nên câu nệ như xưa mà chẳng lưu tâm nghiên cứu?

Cách chúng ta cả gần 1 thế kỷ mà cụ Can đã cảm nhận được cái không khí “hoàn cầu đi lại như một nhà” mà đến tận năm 2006, sau khi Việt Nam đặt chân vào WTO, người dân Việt Nam mới “thấm” được điều đó…

4. Trường Trung học phổ thông Lương Văn CanTrường Trung học phổ thông Lương Văn Can

Sách giáo khoa cho doanh thương Việt

Nhìn lại, trong lịch sử của nghề kinh doanh, chưa từng có một cuốn sách về kinh doanh, cũng như chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của các doanh thương người Việt.

Trong thời thế mang tính cạnh tranh với các tư bản nước ngoài rất gay gắt, người đi buôn trong nước cũng rất cần phải có kiến thức, có trình độ mới có thể tồn tại được.

Trong sự nghiệp trước tác của cụ Lương Văn Can, có 2 quyển sách bàn về việc kinh doanh mà lâu nay ít được biết tới. Đó là quyển “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” (hiện còn ở dạng bản thảo, lưu giữ tại Thư viện Khoa học Trung ương và gia đình tác giả).

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Kim cổ cách ngôn” là “một thứ sách giáo khoa bàn về cách làm giàu và bàn về của cải để mong tìm ra một “đạo làm giàu” của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội thời thuộc địa”.

Trong phần luận về “Đời người và của cải”, cụ Lương Văn Can viết:

Người ta từ sự ăn uống, may mặc đến những việc trưởng thành như lấy vợ, lấy chồng… đều phải cậy nhờ vào của cải. Của cải là sự sống còn của con người. Chính vì vậy, khi dùng của cải phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa không…

Nguồn của cải đã trong sang, thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính toán cân nhắc việc nặng, việc nhẹ, việc khoan, việc gấp, việc trước, việc sau. Việc gì nên chi thì chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì chẳng nên chi”…

“Thương học phương châm” là một quyển sách rất đáng chú ý. Bởi vì, nó không chỉ hướng dẫn cụ thể về nghề thương mại, mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế và mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta thời phong kiến.

Theo nhà nghiên cứu Trần Thái Bình, quyển sách này, bao gồm các mục: Tựa, Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điếm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp giản, Điều lệ nhà băng, Sự buôn bán nước ta…

Phân tích nguyên nhân không phát triển của thương mại nói riêng, kinh tế nước ta nói chung, cụ Lương Văn Can vạch ra 10 điểm: 1. Người mình không có thương phẩm; 2. Không có thương hội; 3. Không có tín thực; 4. Không có kiên tâm; 5. Không có nghị lực; 6. Không biết trọng nghề; 7. Không có thương học; 8. Kém đường giao thiệp; 9. không biết tiết kiệm;
10. Không nội hóa.

Do đó, theo cụ, để cho dân giàu, nước mạnh, cần phát triển nghề buôn và mọi người cần chú trọng thực nghiệp, phải lưu tâm nghiên cứu thương học.

Cụ viết:

“Nước ta, ngày trước học Nho chỉ chí tại thi đỗ để ra làm quan; ngày nay học Tây chỉ chí tại tốt nghiệp để ra làm việc, ít người chí làm thực nghiệp.

Hoặc có một bọn muốn làm nghề buôn mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ được mấy năm thì thất bại khánh tận ngay. Ấy chỉ bởi không có thương học mà đến thế”.

Đó cũng chính là mục đích khiến cụ viết tác phẩm theo nội dung này, với lòng mong mỏi: “Độc giả chọn lấy mà xem cho biết sự thể tình hình, may ra nghề buôn nước ta có phát đạt hơn trước được chăng?”.

Nhìn lại cuộc đời của cụ, chúng ta có thể thấy đó là một minh chứng sống động cho triết lý này:

Những đồng tiền gia đình cụ tích cóp từ việc kinh doanh, đã quay lại với xã hội, góp phần vào những việc ích nước lợi dân. Trong các trường hợp cần kíp, gia đình cụ sẵn sàng bán cả gia sản tổ tiên để đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Như vậy, có thể nói, ngay trong những ngày đầu hình thành và phát triển, thương giới Việt đã có được một cái “đạo”, một đường lối khá rõ ràng. Đó quả là một may mắn rất đáng quý. Và người có công đầu trong việc xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt, không ai khác chính là danh sỹ họ Lương (Lương Văn Can).

Các thế hệ sau cảm phục cụ - một người chưa từng trải qua bất kỳ một trường lớp về kinh tế nào, song đã viết sách rất bài bản, dạy buôn bán, thiết lập nên một hệ tư tưởng riêng cho giới kinh doanh.

Đây không phải là những bài học mang tính “sách vở”, bởi chính cụ là người đầu tiên đem chính những kiến thức này – cái “đạo” này – ra thực thi và đã thành công…

Tháng 3/1907, cụ Lương Văn Can liên kết với một số người cùng chí hướng như Nguyễn QuyềnLê ĐạiHoàng Tăng BíVũ Hoành… lập ra Trường Đông Kinh Nghĩa thục, tại số 4 và số 10, phố Hàng Đào, Hà Nội). Mục đích của nhà trường: Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng; truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động với các sỹ phu đã xuất dương, hỗ trợ các phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, đang phát triển trong cả nước.

Cụ Lương Văn Can có 3 người con - tham gia tích cực phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX: Lương Trúc Đàm, tham gia Đông Kinh Nghĩa thục; Lương Ngọc Quyến, tham gia phong trào Đông Du (1905) học ở Nhật, sau trở thành người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917); Lương Nghị Khanh, tham gia phong trào Đông Du, năm 1916, qua Thái Lan, Phnom Penh (Campuchia), rồi mất khi 80 tuổi…

Xuân Phong

Bài liên quan

Tin mới

Ngân hàng Eximbank nợ xấu tăng tăng 58% so với đầu năm 2023, lãi giảm 26,5%
Ngân hàng Eximbank nợ xấu tăng tăng 58% so với đầu năm 2023, lãi giảm 26,5%

Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) cho thấy nhà băng này năm 2023 có thu nhập lãi thuần 1.397 tỷ đồng, giảm 2,79% so với cùng kỳ một năm trước. Trong năm 2023, Eximbank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 694 tỷ đồng, tăng 6,7 lần so với năm trước (103 tỷ đồng).

Cổ phiếu được giao dịch trở lại, Hải Phát muốn huy động 3.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu
Cổ phiếu được giao dịch trở lại, Hải Phát muốn huy động 3.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu

Ngay sau khi cổ phiếu HPX được giao dịch trở lại, Công ty CP Đầu tư Hải Phát lên kế hoạch chào bán hơn 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thái Nguyên: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng
Thái Nguyên: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang vừa ký, ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn tỉnh.

Quý I, xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Quý I, xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD; Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Vụ sập cầu ở Baltimore sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu than của Mỹ sang Châu Á
Vụ sập cầu ở Baltimore sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu than của Mỹ sang Châu Á

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), sự cố sập cầu ở Baltimore trong tuần này sẽ là lực cản đối với thị trường xuất khẩu than của Mỹ trong năm nay.