Bằng cách tạo dựng một lối đi riêng, dưới sự lãnh đạo của TGĐ Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng và tư vấn mua bán BĐS Đại Phát Lộc, Nguyễn Thị Hảo, DN ngày càng phát triển vững chắc.

Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng và tư vấn mua bán bất động sản Đại Phát Lộc, Nguyễn Thị HảoTổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng và tư vấn mua bán bất động sản Đại Phát Lộc, Nguyễn Thị Hảo

“Dùng nghị lực ý chí để vượt khó”...

Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng và tư vấn mua bán bất động sản Đại Phát Lộc - tiền thân là Trung tâm Môi giới tư vấn mua bán bất động sản Đại Phát Lộc.

Năm 2018, do nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, Trung tâm đã chuyển đổi và nâng tầm thành công ty cổ phần. Hoạt động đa ngành, đa nghề, nhưng Công ty chú trọng đi sâu lĩnh vực là thế mạnh của đơn vị đó là tư vấn mua bán - kinh doanh bất động sản, tư vấn hỗ trợ pháp lý cho tổ chức và cá nhân. Hiện tại, công ty có hệ thống mạng lưới kinh doanh tại Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những ngày đầu thâm nhập thị trường, từ lãnh đạo đến CBCNV đều phải gắng hết mình để tìm kiếm những lô đất nhỏ, sen kẹt, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vừa có điều kiện tiếp xúc làm quen với các đối tác, tạo mối quan hệ lâu dài. Như “đứa trẻ tập đi” - những bước chân chập chững thời kỳ đầu bao giờ cũng gian nan, vất vả, đòi hỏi tốn nhiều công sức và tiền bạc, nhưng khi quen chân rồi thì sẽ... bước phăm phăm...

Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng và tư vấn mua bán bất động sản Đại Phát Lộc cũng có thể nói là như vậy. Bằng sự phấn đấu không mệt mỏi, đảm nhận tư vấn mua bán những lô đất nhỏ lẻ, dần dần đến những thửa đất lớn, những dự án trọng điểm trong tương lai.

Trò chuyện với chúng tôi, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hảo tâm đắc:

“Với phương châm của công ty “Dùng nghị lực ý chí để vượt khó – dung Tâm, Đắc để làm nền tảng vũng chắc”, cùng với những bước tuy chậm nhưng chắc, doanh thu của công ty tăng trưởng đều, năm sau cao hơn năm trước”.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hảo, đời sống của CBCNV trong công ty được chăm lo thường xuyên; thu nhập của CBCNV ngày càng được nâng cao, mang lại cuộc sống ổn định cho các mái ấm gia đình.

Để mọi người yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó lâu dài với đơn vị, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hảo còn đề ra những chế độ thưởng, ưu đãi hợp lý để khuyến khích, phát huy sức sáng tạo, khả năng của từng người trong công việc, chứ không thự hiện chế độ cào bằng “ai cũng giống ai” - gây tâm lý đùn đẩy, ỷ lại, bỏ mặc công việc ra sao thì ra.

Nhờ đó, bộ máy vận hành của công ty khá nhuần nhuyễn, trơn tru, hiệu quả, từng bước đưa thương hiệu và uy tín của DN đến gần với các đối tác trên thị trường.

Những bài học trên con đường khởi nghiệp 

Trở lại với Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hảo, được biết, bố mẹ là người quê hương thành phố hoa phượng đỏ - Hải Phòng. Chị Hảo sinh năm 1979, tại Kiến An (Hải Phòng); năm 1982, cả gia đình chị vào thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sinh sống.

Năm 1997, học xong cấp 3, trong khi bạn bè cùng trang lứa chọn cho mình con đường học tập thi tiếp vào giảng đường đại học, thì chị đã chọn một lối đi riêng đó là tìm cho mình một nghề phù hợp với năng lực bản thân. Vào thời gian đó, nghề trang điểm cô dâu, kinh doanh áo cưới, dịch vụ cưới hỏi đang xu hướng phát triển. Nắm bắt được thị hiếu trên thị trường, chị xin gia đình cho phép đến Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tham gia lớp học nghề vừa học vừa làm, trong thời gian 12 tháng.

Sau khi học xong, tích góp được ít vốn và được sự hỗ trợ, ủng hộ của gia đình, cuối năm 1998, chị về Long Thành (Đồng Nai) lập nghiệp - mở hiệu cắt tóc, trang điểm cô dâu, cung cấp dịch vụ cưới hỏi.

Thời gian đầu, công việc thuận lợi, khách hàng kéo đến lườm lượm, nhiều hôm không được nghỉ trưa, làm việc quên ăn. Có chút “của ăn của để”… Nhưng rồi, số phận ít ai thành công mà “đi trên thảm đỏ” - ngã rẽ cuộc đời đau khổ, bất hạnh ập đến, khi chị lập gia đình với người đàn ông, đã không thương yêu mình, lại còn vũ phu, bạo hành, ghen tuông. Người chồng ép buộc chị không cho ra ngoài đường, không cho tiếp xúc ai. Gia đình nhà chồng có điều kiện kinh doanh dịch vụ giải trí, nhưng không cho chị làm, nói là “chị có chồng nhưng cũng như không”! Để rồi từ đó, công việc chính của chị không phải là kinh doanh, mà chỉ ăn và... sinh liền lúc 5 đứa con, trong đó có 4 đứa phải sinh mổ. Một mình chị tự trang trải chăm sóc, nuôi các con.

Khi các con khôn lớn, chị quyết định ra ngoài tự mình mở quán kinh doanh trà sữa, café. Dần dần có nhiều khách đến quán - là các nhà kinh doanh tư vấn mua bán bất động sản, vào quán uống café bàn chuyện. Nghe nhiều thành quen, rồi sau đó từ tư vấn mua bán bất động sản đã “ngấm vào trong mình lúc nào cũng không hay”, chị đam mê, yêu thích và muốn thử sức lĩnh vực mới.  

Một lần, chị nghe theo lời của các nhà tư vấn, theo đó, số tiền dành dụm bao năm, chị quyết định đầu tư cùng chung tiền mua 1 rồi 2 lô đất nhỏ, thuận lợi có lãi; nhưng đến lô lớn hơn thì bao vốn liếng chị dành được trong nhiều năm đều không cánh mà bay...

Thế là, nghiệp kinh doanh của chị 1 lần nữa đổ vỡ, ngỡ rằng khó có thể vực dậy. Chị, trong lúc thất vọng, ê chề, đãng lẽ ra, người chồng phải động viên, an ủi; song buồn thay, chị nhận lại bằng việc ly hôn! Chị chấp nhận tất cả với suy nghĩ “bỏ qua những gì đã mất, bỏ qua những thứ không thuộc về mình, hãy cố gắng làm lại”! Chị về lại nhà ngoại ở thành phố Bà Rịa sống, tiếp tục làm việc và tìm cho mình cơ hội mới.

Thời gian này, ở trong khu có người muốn bán một lô đất. Niềm đam mê kinh doanh bất động sản trong chị trỗi dậy. Mặc dù trong tay không có đủ tiền, chị đã đi vay mượn anh chị em trong gia đình; đặc biệt, ngân hàng có chính sách hỗ trợ “3 bên” - cho bên mua vay và thế chấp bằng chính lô đất đó. Sau một thời gian, giá đất tăng nhanh, gặp khách có nhu cầu, chị bán để trả anh em gia đình và ngân hàng. Số tiền lãi được, chị lại tiếp tục đầu tư vào lô đất khác. Cứ mua đi bán lại như vậy, dần dần tài sản của chị đã lên đến hàng chục tỷ rồi trăm tỷ đồng… Đó là những thành quả mà theo như chị nói “mới chỉ là bước đầu khởi nghiệp”.

Mỗi con người nói chung và mỗi doanh nhân nói riêng, đều có cách dựng nghiệp của riêng mình. Thành công luôn đến từ ý tưởng sáng tạo, ý chí tự chủ, nghị lực bẩm sinh, sự kiên nhẫn và hy vọng… Ở nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hảo, chị có cách tạo lập riêng, lâu rồi trở thành tình yêu và sự đam mê với công việc…

Ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Có mặt tại công ty, trò chuyện với nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hảo mới thấy chị là người đam mê công việc và rất tự tin vào bản thân mình. Rõ ràng, là người lãnh đạo, là doanh nhân thì không thể thiếu được đức tính đó.

Nhưng ở cương vị Tổng giám đốc công ty, chị còn ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa DN. Chị quan niệm: Một DN thành công, phải bắt đầu từ những giá trị văn hóa của mình.

Doanh nhân Nguyễn Thị Hảo (áo đen giữa) trao tặng nhà tình thương tại tỉnh Trà VinhDoanh nhân Nguyễn Thị Hảo (áo đen giữa) trao tặng nhà tình thương tại tỉnh Trà Vinh

Chính vì vậy, chị đề ra quy chế và thường xuyên nhắc nhở mọi người trong đơn vị về thái độ giao tiếp với các đối tác, khách hàng và xã hội, bởi đây chính là những yếu tố thể hiện rõ nhất văn hóa DN. Bên cạnh đó, chị luôn đề cao đạo đức kinh doanh.

“Chỉ có đạo đức kinh doanh mới giúp DN tồn tại và phát triển bền vững - tạo niềm tin - chỗ đứng cho DN trong lòng khách hàng”, chị chia sẻ.

Theo chị:

“Văn hóa DN được bắt đầu và kết thúc ở người đứng đầu DN. Muốn xây dựng hay thay đổi một nét văn hóa nào đó của DN, thì người lãnh đạo phải là người bắt đầu. Riêng tôi, trong vai trò là người lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng và tư vấn mua bán bất động sản Đại Phát Lộc, còn phải biết lắng nghe, tiếp nhận và sẵn sàng thay đổi những điều không phù hợp”.

Cùng với việc kinh doanh, việc tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện xã hội cũng được người nữ doanh nhân này chú trọng, dù là các hoạt động của địa phương hay của Trung ương, chị đều tham gia. Hàng năm, chị dành cho công tác từ thiện xã hội lên đến hàng tỷ đồng.

Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, DN  của chị đã ủng hộ hơn 700 triệu đồng, trong đó 500 triệu đồng ủng hộ và trao quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, tỉnh Trà Vinh; ủng hộ hơn 200 triệu Quỹ chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo, hội chữ thập đỏ...

Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hảo trải lòng:

“Nếu cả xã hội chung tay giúp đỡ người bất hạnh trong cộng đồng, thì sẽ càng có nhiều trẻ em nghèo được đến trường, nhiều cụ già sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng và nhiều người khuyết tật sẽ được tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, sẽ có nhiều nụ cười được nở trên môi mọi người”.

Ghi nhận những đóng góp quan trọng trong công tác nhân đạo từ thiện xã hội, cá nhân chị và công ty đã được các bộ ban ngành, đoàn thể Trung ương, UBND tỉnh Trà Vinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng thưởng bằng khen.

Tận mắt chứng kiến sức sống mãnh liệt và sự phát triển đi lên của Đại Phát Lộc hôm nay, chúng ta có quyền nghĩ tới hình ảnh của một tập đoàn kinh tế lớn trong tương lai không xa.

Giờ đây, diện mạo của Đại Phát Lộc - chính là sự kết tinh trí tuệ và tâm huyết của biết bao con người, trong đó không thể không nói đến một con người đã dồn trọn vẹn tâm sức của mình cho Đại Phát Lộc đi lên. Nếu coi cuộc sống là hành trình đi tìm ý nghĩa, thì hành trình của nữ Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hảo là sự nỗ lực không ngừng để góp nhặt tinh hoa - tạo lên thương hiệu Đại Phát Lộc ngày nay...

Ghi chép của Phan Hải