THCL Chỉ còn chừng 1 tháng nữa, nhãn lồng Hưng Yên sẽ cho thu hoạch. Bên cạnh nỗi lo “được mùa mất giá”, người nông dân còn lo việc xuất khẩu – hiện gặp khó khăn, gây thiệt hại cho sản xuất.
Năm nay, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.000 ha nhãn, tập trung ở TP. Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động…; tổng sản lượng trái, dự kiến sẽ thu khoảng 40.000 tấn. Nhãn quả tươi chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc, thông qua các kênh buôn bán nhỏ lẻ, các siêu thị, một số XK sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không ổn định.
Xã Hồng Nam (TP. Hưng Yên) và xã Hàm Tử (Khoái Châu) là vùng quy hoạch sản xuất nhãn VietGap và được cơ quan chuyên ngành của Bộ NN&PTNT cấp mã số XK sang Mỹ với diện tích hơn 20 ha. Trong đó, năm 2015, nhãn xã Hàm Tử đã XK được 8 tạ nhãn chín muộn sang thị trường Mỹ.
Để tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm, Sở Công thương đã phối hợp với Cục XTTM (Bộ Công thương) tổ chức chương trình quảng bá, kết nối thông tin nhãn lồng Hưng Yên với một số nhà NK của Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặt mục tiêu trong năm tới là hướng đến thị trường EU. Trước mắt, Hưng Yên sẽ triển khai chương trình XTTM thu hút các DN hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho mùa nhãn năm nay.
Với diện tích hơn 20 ha nhãn đạt tiêu chuẩn XK - là con số rất nhỏ/tổng diện tích 3.000 ha của Hưng Yên. Do vậy, người trồng nhãn lồng, ngoài việc tích cực kết nối với các DN vẫn rất cần sự chung tay hỗ trợ của cả nước trong liên kết hỗ trợ tiêu thụ, đảm bảo cho nhãn lồng Hưng Yên không những được tiêu thụ rộng khắp tại thị trường trong nước, mà còn được XK rộng rãi ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Đương (xã Hàm Tử, Khoái Châu) nói, hợp đồng người dân cam kết sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn Vietgap. Để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất, DN thu mua cần có những phương pháp kiểm tra, kiểm định ngay tại vườn thu hái. Tránh tình trạng, người nông dân thu hoạch và trông chờ, 5 - 7 ngày sau nhãn bị trả về sẽ gây khó khăn khi tiêu thụ, thiệt hại cho người sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, Nguyễn Hữu Phú, cho rằng, với việc các DN luôn “cầm đằng chuôi”, người nông dân lại ở thế bị động khiến nhãn gặp khó khăn về đầu ra.
Bà Đoàn Thị Chải, Phó giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: “Để đặc sản nhãn lồng Hưng Yên mang giá trị thu nhập cao và trở thành thương hiệu, thời gian tới, nông dân cần mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình VietGap, lấy chất lượng và bảo đảm ATVSTP là tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản.
Tỉnh, các ngành hữu quan cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nhãn theo quy trình VietGap; các địa phương và chủ vườn chủ động liên kết với DN, siêu thị và thị trường có tiềm năng để tiêu thụ nhãn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh”…
Khoảng nửa tháng trở lại đây, tại các chợ và trên các tuyến phố của Hà Nội, bày bán rất nhiều nhãn, giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Để hút khách, người bán hàng treo biển “nhãn lồng Hưng Yên xịn” và mời chào ngon ngọt: “Nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu, cùi dày, ngọt thơm, giá bán chỉ 60.000 đồng/kg”.
Ghi nhận của PV tại Hưng Yên, người trồng nhãn cho biết, hiện nay chỉ có nhãn cỏ, nhãn thóc mới cho thu hoạch sớm; nhãn lồng và nhãn chín muộn phải hơn 1 tháng nữa mới vào chính vụ. Chắc chắn, nhãn bán tràn lan hiện nay không phải nhãn lồng Hưng Yên, mà là nhãn từ nơi khác mang về.
Chị Nguyễn Thị Mai, chủ cửa hàng hoa quả, chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết, hiện tại nhãn về khá nhiều, với đủ loại nhãn Sơn La, Trung Quốc, Thái Lan… Đầu vụ nhãn, bán loại nhãn rừng này rất dễ, được giá vì nhiều NTD cho rằng đây là nhãn Hưng Yên, vào vụ nhãn lồng chính, nhãn rừng không thể bán nổi vì người mua nhìn sẽ dễ phân biệt.
Rất nhiều trường hợp, người bán hàng sẽ dùng hóa chất để bảo quản nhãn rừng, nhãn Thái Lan. Do đó, khi chọn mua nhãn, NTD nên mua nhãn có cuống còn xanh, không mua nhãn có vỏ trắng sạch, đã rụng cành…
Hoan Nguyễn