Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, nhãn chất lượng cho thủy sản tươi sống và chế biến phải được ghi bằng tiếng Nhật và tuân thủ theo các luật, quy định gồm: Luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn phù hợp cho nông lâm sản, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Đo lường, Luật Bảo vệ sức khỏe, Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên, Luật Chống lại việc đánh giá cao, sai sự thật và mô tả gây hiểu lầm, các luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (ví dụ: Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, Luật Thương hiệu).
Khi nhập khẩu và bán thủy sản tươi sống vào Nhật Bản, nhà nhập khẩu phải cung cấp các thông tin dưới đây trên nhãn, theo quy định ghi nhãn chất lượng đối với sản phẩm tươi sống của Luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn phù hợp với nông lâm sản: tên sản phẩm, tên nước xuất xứ, hàm lượng dinh dưỡng, tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu.
Khi nhập khẩu và bán sản phẩm thủy sản chế biến, nhà nhập khẩu phải cung cấp các thông tin trên nhãn, theo quy định ghi nhãn chất lượng đối với thực phẩm chế biến của Luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn phù hợp với nông lâm sản; và những quy định tương tự đối với đóng gói thực phẩm chế biến trong đồ đựng theo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm: tên sản phẩm, thành phần dinh dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng, hạn sử dụng, phương thức bảo quản, tên nước xuất xứ, tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, các thành phần của sản phẩm phải được liệt kê theo thứ tự giảm dần từ thành phần có hàm lượng cao nhất đến thấp nhất theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và Ghi nhãn phù hợp cho nông lâm sản, và Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tên của các chất phụ gia được sử dụng trong sản phẩm, theo quy định phải được liệt kê trên nhãn theo thứ tự giảm dần của tỷ trọng hàm lượng chất phụ gia theo quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thông báo số 370 về "Tiêu chuẩn và tiêu chí cho thực phẩm và chất phụ gia" của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ quy định giới hạn tối đa cho phép đối với các chất phụ gia được phê duyệt cho mỗi sản phẩm thực phẩm.
Bảo Lâm