Lo dòng vốn tháo chạy
Thời gian qua, đất đai ở 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sốt dữ dội. Theo đó, các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Nha Trang… cũng có những đột biến, gây tác động tiêu cực lên thị trường BĐS, giá cả tăng phi lý, trong khi chúng ta đang có sự phát triển thị trường tương đối ổn định.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyên Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: Từ khi cuộc khủng hoảng BĐS diễn ra năm 2011, phải đến các năm 2014 - 2015 – 2017, thị trường mới tạo đà phục hồi và phát triển ổn định. Tuy nhiên, ổn định chưa được bao lâu thì bước sang đầu năm 2018, thị trường lại bị đảo lộn với cơn sốt đất tại các đặc khu kinh tế với sự bùng nổ cơn sốt đất nền. Bởi lối đầu tư theo phong trào của người dân vẫn là căn bệnh “trầm kha” của thị trường BĐS Việt Nam, cho nên giá cả thị trường vừa qua tăng rất phi lý, có thể dẫn đến những khó khăn cho nhà đầu tư trong đền bù và GPMB sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường BĐS đã ít nhiều thay đổi, khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo chiều giảm dần từ quý I sang quý IV. Mọi năm, từ quý I, II – III, IV, kinh tế phát triển theo chiều tăng dần; năm nay chưa có số liệu chính thức của quý II, nhưng theo số liệu tổng hợp bước đầu thì, kinh tế quý II chỉ đạt dưới 7% (thấp hơn quý I) đúng như các dự báo. Sở dĩ, dự báo được sự tăng trưởng năm nay, bởi do năm ngoái tăng trưởng nền kinh tế được hưởng những con số rất lớn từ đầu tư nước ngoài với các dự án khủng như Fomosa, SamSung… Quý I như vậy, nhưng sang quý II, không có thêm những đòn bẩy tác động mạnh, cho nên kinh tế có xu hướng tăng trưởng ngược, quý II chắc chắn sẽ thấp hơn quý I.
Theo ông Nam, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ như bị rút vốn: “Theo tôi được biết, cách đây vài ngày, Tổ cố vấn của Thủ tướng, gồm 8 - 9 người đã xuống làm việc với Ủy ban Chứng khoán, thị trường chứng khoán của chúng ta bị “đỏ đèn” liên tục, vốn ngoại bị bán ròng và rút ra khỏi thị trường khoảng 5 - 7 tỷ USD, cả khu vực Đông Nam Á bị rút khoảng hơn 20 tỷ USD vốn ngoại, trong phần giảm sút của thị trường chứng khoán, các đại gia BĐS như VIN GROUP, FLC… luôn bị ảnh hưởng”.
“Giá trị cổ phiếu bị giảm mạnh - tương ứng với đó là giá trị tài sản của các đại gia BĐS cũng bị giảm mạnh, vốn cũng bị rút bằng nhiều cách ra khỏi thị trường”, ông Nam nhấn mạnh.
Nhiều đại gia chuyển hướng đầu tư
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, các đại gia BĐS lớn đang chuyển hướng đầu tư ngoài ngành.
Ông Nam nói: “Theo tôi quan sát thì, các đại gia BĐS đang có những động thái chuyển dịch sang đầu tư ở lĩnh vực khác. Cụ thể như: VIN GROUP đang ráo riết đầu tư vào VIN Fast chuẩn bị ra sản phẩm ô tô, xe máy, thậm chí sắp tới họ còn chuẩn bị làm VIN smart điện thoại di động để gia tăng kết nối các tiện ích của VIN GROUP”.
Vin Group đang chuyển hướng đầu tư đa ngành thay vì chỉ đầu tư vào BĐS
Hay như đối với FLC, trong năm nay, liên tiếp 2 lần đi nước ngoài (Pháp và Mỹ), họ ký 6 - 7 tỷ USD để mua máy bay, lấn sân sang kinh doanh hàng không. Ông Nam nhấn mạnh: “Tất nhiên, kinh doanh hàng không của FLC vẫn nhằm mục tiêu phục vụ cho hoạt động kinh doanh BĐS của họ, chứ không phải mục tiêu cạnh tranh với Vietnam airline, chủ yếu là để kết nối các địa bàn có các dự án BĐS của FLC để tăng giá trị của BĐS, du lịch nghỉ dưỡng của FLC lên, thúc đẩy tăng trưởng du lịch”.
Tuy nhiên, đây là những minh chứng rất rõ ràng cho thấy dòng tiền cho BĐS của các đại gia đang bị san sẻ cho các lĩnh vực khác và bị rút khỏi thị trường. Trong đó, một thị trường BĐS cần dòng vốn rất lớn và dài hạn thì đang bị thiếu.
Bên cạnh đó, Chính phủ, từ đầu năm 2017 vẫn đang tiếp tục thực hiện chủ trương giảm tín dụng vào thị trường BĐS.
Từ năm 2016 trở về trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS bao giờ cũng tăng gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình, mấy năm trước, tín dụng trung bình tăng khoảng 12% thì riêng tín dụng cho BĐS bao giờ cũng tăng khoảng 18 - 19%. Tuy nhiên, sang đến năm 2017 thì ngược lại, tín dụng trung bình tăng 18 - 19% thì tín dụng vào BĐS chỉ tăng có 12%; sang năm nay, đang tiếp tục giảm.
Theo phân tích của một số chuyên gia: Một số thông tư, trước đây chúng ta có can thiệp, kiến nghị giãn tiến độ thực hiện ra và lùi mức độ thực hiện xuống, thì bây giờ bắt đầu có hiệu lực rồi. Ví dụ, chuyện tăng hệ số an toàn từ 150% lên 200% và giờ lên 250%, hay như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% và giờ giảm còn 40%, ngay cả dòng tín dụng vào thị trường BĐS cũng bị giảm.
Theo các chuyên gia, những động thái gần đây của Chính phủ cho thấy, nếu nhìn nhận từ phía khách quan: Về mặt tích cực, động thái giảm tín dụng cho BĐS của NHNN sẽ làm giảm nhiệt thị trường BĐS đang nóng, trong đó không thể không kể tới động thái việc Quốc hội lùi thông qua các đạo luật về 3 đặc khu kinh tế. Nhưng nếu nhìn nhận ở mặt tiêu cực thì rõ ràng, cũng gây tín hiệu không được tích cực cho thị trường…
Kiều Tuyết