Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo, do Hội Môi giới BĐS Việt Nam phối hợp với báo Công thương tổ chức. Tham dự hội thảo, có lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam, lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Việt Nam và đại diện UBND, các sở xây dựng, tài nguyên & môi trường các tỉnh khu vực miền Trung, các chuyên gia tài chính, ngân hàng, chuyên gia BĐS cùng đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đối tác BĐS tham dự.
Siết tín dụng BĐS, hạn chế bong bóng
Mặc dù có những bước phát triển sôi động, tuy nhiên, không nằm ngoài quy luật chung, thị trường BĐS miền Trung vẫn có những điểm chững, thậm chí có những bước lùi trong quá trình phát triển.
Trên thực tế, khu vực này, đặc biệt là TP. Đà Nẵng đã hứng chịu những hệ lụy tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng "bong bóng" BĐS giai đoạn 2007 – 2012. Để tránh lặp lại những kịch bản cũ, cần thiết phải có sự "bắt tay" chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, chính sách của địa phương quyết định lớn đến sự phát triển và phát triển ổn định, bền vững của BĐS miền Trung. Đối với mô hình condotel, vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là sự rõ ràng về mặt pháp lý của dự án.
Khi những dự án condotel đầu tiên ra đời, lập tức được thị trường đón nhận mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, loại hình này lại nảy sinh vướng mắc pháp lý về sở hữu và kinh doanh. Vì vậy, chính quyền địa phương tại nơi triển khai các dự án vẫn chưa thể cấp được sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp. Để BĐS nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, rất cần thiết có những quy định, văn bản pháp lý hướng dẫn và giải quyết những vướng mắc trên.
Tham luận tại hội thảo, bày tỏ sự tán thành với giải pháp của Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các Ngân hàng thương mại siết tín dụng trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Hiền Ninh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Nam miền Trung cho rằng: “Siết tín dụng BĐS – động thái cần thiết để phát triển thị trường bền vững”.
Ông Ninh cho rằng: Thực tế, việc siết tín dụng vào BĐS không ảnh hưởng quá nhiều đến các dự án đang triển khai nếu các dự án này có phương án tài chính khả thi và tiến độ triển khai như cam kết. Doanh nghiệp BĐS, để làm chủ dự án hoặc đầu tư dự án đòi hỏi có nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và năng lực triển khai…
Việc hạn chế tín dụng về BĐS về bản chất sẽ không có tác động nhiều đến các doanh nghiệp có phương án tài chính tốt với định hướng phát triển bền vững, điều đó cũng làm cho việc triển khai xây dựng và phát triển dự án được ổn định hơn. Đối với nhà đầu tư thứ cấp, họ sẽ cân nhắc lựa chọn các sản phẩm và dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín, điều đó sẽ thuận tiện hơn khi sử dụng tín dụng ngân hàng và việc đầu tư cũng ít rủi ro hơn.
Khuyến cáo người mua không nên vồ vập
Nhận định về tình trạng “sốt bong bóng BĐS” trước đây, các ý kiến thảo luận cũng nhận định, lĩnh vực môi giới BĐS cũng có phần trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, Sàn giao dịch và môi giới BĐS ra đời là đáp ứng nhu cầu kết nối cung - cầu của thị trường.
Tuy nhiên, nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng… tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ bong bóng BĐS và gây rủi ro cao cho các nhà phân phối BĐS, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và rộng hơn là cả nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Hiền Ninh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Nam Miền Trung: Khu vực miền Trung thời gian qua diễn ra hiện tượng sốt đất nền. Đây là điều khá bình thường và là kết quả tích cực của những chính sách phát triển kinh tế của các địa phương khu vực này, nó cũng cho thấy dấu hiệu kinh tế khả quan của các địa phương. Tất nhiên, việc tăng bất thường cũng tiềm ẩn các rủi ro. Đó là quy luật của kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, vấn đề quan trọng ở đây là làm sao để duy trì được mức tăng và tăng trưởng ổn định. Kinh tế thị trường là thuận mua, vừa bán giữa 2 bên, người mua để giảm thiểu rủi ro cần tìm hiểu rõ về dự án khi mua, tính pháp lý, hạ tầng, vị trí, quy hoạch chủ đầu tư.
Để hạn chế rủi ro cho người mua, các địa phương cần có sự kiểm soát, giám sát việc triển khai các dự án đảo đảm pháp lý và kinh doanh theo luật bất động sản. Ngoài ra, người mua cũng có thể lựa chọn các phân khúc sản phẩm khác để đầu tư thay vì chỉ là chạy theo đất nền.
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt vấn đề về việc Đà Nẵng có giữ được vai trò “đầu tàu" của thị trường BĐS miền Trung trước những dấu hiệu chững lại vừa qua. Đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, tuy tốc độ phát triển các dự án BĐS ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại, phần lớn các dự án BĐS tại TP. Đà Nẵng vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Lãnh đạo hội môi giới BĐS Việt Nam khuyến nghị: "Chúng ta không nói về trách nhiệm, nhưng phần lớn những gì diễn ra trên thị trường chủ yếu là do người mua và chính họ dẫn dắt. Nếu người mua không vồ vập mà có sự suy xét, cân nhắc kỹ thì sẽ không có những diễn biến tăng giá quá mức".
Theo số liệu của Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện có khoảng hơn 50 dự án BĐS đã và đang triển khai. Tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự khoảng hơn 50.000 căn với nhiều nhà đầu tư lớn như Vinacapital, Alphanam Luxury, SunGroup, Trung Nam, Hoà Bình, An Thịnh, Vingroup…Thị trường BĐS TP. Đà Nẵng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng của thị trường Đà Nẵng.
Khánh Yên