Trở lại Biên Hòa (Đồng Nai) vào những ngày này, dạo một vòng quanh tâm điểm của cơn sốt giá đất như Long Bình Tân, Long Bình, Phước Tân… đều dễ dàng nhận thấy, cảnh tấp nập mua bán như cách đó vài tháng đã không còn.
Quảng cáo đất nền vẫn giăng đầy tại xã Phước Tân
Giờ đây, tại những lô đất này chỉ còn trơ trọi hàng loạt biển quảng cáo, giao bán được treo trên cột điện, hàng cây bên đường. Hiện tại, người đi mua đất đã vắng, cũng ít thấy bóng dáng của cò đất trước những lô đất lớn. Các văn phòng, trung tâm môi giới ngày nào tấp lập người qua lại thì nay "cửa đóng then cài".
“Nếu đến với Đồng Nai cách đây vài tháng, quán tạp hóa của tôi luôn tấp nập người hỏi địa điểm mua đất, giá đất. Nhưng đó là toàn người nơi khác đổ về, chứ dân ở đây người ta không mua”, một chủ tạp hóa tại phường Long Bình cho biết.
Khi phóng viên thắc mắc "tại sao người dân tại đây không mua?" thì chủ cửa hàng tạp hóa này không ngần ngại chia sẻ: “Dân ở đây, người ta biết hết rồi, đất nền toàn do cò đất địa phương làm giá, phân lô bán và thường thì không có sổ đỏ. Cò đất bán đất của người khác nhưng giới thiệu, chào hàng như đất của mình và người ở địa phương khác cũng muốn mua đất làm ăn hay đầu tư thì họ mua thôi”.
Rất nhiều lô đất bị cò phân lô để bán với giá cao
Chia sẻ với phóng viên Thương hiệu & Công luận, chị Hoa, người dân nơi đây cho biết: “Một người có một mảnh đất lớn, có thể chia tách làm vài lô để bán cho khách hàng. Nếu mỗi lô chủ đất ra giá 300 triệu đồng thì cò đất có thể làm giá lên 500 - 600 triệu. Thậm chí, giá đất còn được thay đổi theo giờ, 1 ngày cò đất báo 2 lần giá là chuyện bình thường”.
“Cách làm ăn siêu lợi nhuận này, đã khiến không ít người làm cò đất đổi đời trong nháy mắt, chỉ trong 1 tháng thu lợi đến vài tỷ đồng”, chị Hoa nói.
Được biết, đa phần khách hàng đầu tư vào đây có nguồn vốn chủ yếu là vay ngân hàng. Khi cơn sốt bắt đầu hạ nhiệt, khả năng ra hàng gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí giá sản phẩm bắt đầu đi ngang và có dấu hiệu giảm xuống thì những nhà đầu tư này như “ngồi trên đống lửa”!
Đơn cử, trường hợp anh Nguyễn Văn Trọng, sống tại phường Long Bình Tân, chỉ bởi nghe theo lời của bạn bè và cò, anh đã gom hết số tiền của gia đình và vay thêm ngân hàng để ôm 6 lô đất tại đây nhằm “lướt sóng” kiếm lời. Nhưng nay đã tới hạn trả tiền lãi ngân hàng mà anh vẫn chưa bán được lô nào. Trong khi đó, cơn sốt đã bắt đầu hạ nhiệt và giá cũng bắt đầu đi xuống.
Một số chuyên gia trong ngành cho biết, không khí sốt đất nền tại Đồng Nai đã giảm nhiệt hẳn so với vài tháng gần đây. Nhưng hậu quả của nó để lại là vô cùng lớn, bởi khách hàng là người chịu thiệt, quy hoạch nhà đất nham nhở, mua bán chỉ có giấy tờ tay, người mua không thể làm sổ đỏ.
Cácchuyên gia cũng khuyến cáo những người có nhu cầu thực mua đất để cất nhà ở thì cần xem xét kỹ tính pháp lý. Bởi hiện nay, nhiều nơi đã có quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng đất xen kẹt trong khu dân cư do cò phân nền. Đất vườn, đất ruộng chưa được chuyển mục đích sử dụng, nhưng vẫn được hứa hẹn tách sổ...
Thanh Bút – Phước Nguyên