Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, để khắc phục tình trạng khô hạn và mở rộng diện tích sản xuất, nhiều hộ nông dân tại đây đã khai thác cây rong trên phá Tam Giang làm phân bón, biến vùng đất khô cằn này trở thành vùng trồng cây thuốc lá và các loại rau màu, đem lại thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.
Người dân đang bơm nước từ dòng sông đang khô cạn để cứu cây trồng đang bị khô hạn
Anh Văn Đức Thắng, thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái cho biết, khô hạn dần được chế ngự, bà con lại tìm tòi kỹ thuật trồng cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn xã đã có đến 30ha đất được bà con sử dụng rong làm phân bón. “Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cho đất, cây rong còn có tác dụng giữ ẩm, giữ nước rất tốt, giúp cải thiện đất đai bạc màu, làm đất tơi xốp. Nhưng để phân rong phát huy hiệu quả, trong quá trình làm đất nên rải đều một lớp rong trên đất trước khi cày ải. Khi cây trưởng thành phải bón trực tiếp cách gốc cây khoảng 20-30cm, khoảng 1 tháng bón một lần”, anh Thắng nói.
Trong khi tại thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bà con nông dân có sáng kiến khoan giếng tại ruộng, rồi dùng máy bơm nước chạy bằng điện công suất nhỏ để lấy nguồn nước phục vụ sản xuất. Ông Phan Văn Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú, cho biết, Hội Nông dân xã đã phối hợp, hỗ trợ khoan 50 cái giếng và hiện vẫn đang khoan tiếp, vét 4 ao để chủ động nước tạm thời cho các hộ sản xuất cho gần 20ha lúa. 8ha đất trồng lúa không đủ nước thì hội khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng đậu phụng và các cây rau màu khác, năng suất ước đạt 4-5 tạ/sào.
“Đậu phụng là cây có sức chịu năng tốt nhất và dễ phát triển trên đất cằn, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn, mang lại hiệu quả cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Riêng 2 ha đất chuyển sang trồng dưa lưới cho thu nhập 20-30 triệu/sào”, ông Trịnh nói.
Cây hồ tiêu ở Quảng Trị bị vàng lá do thiếu nước tưới
Tại tỉnh Quảng Trị nhiều giải pháp đối phó với hạn hán như tưới tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng, chuẩn bị thức ăn khô cho gia súc, thường xuyên nạo vét kênh mương… dù triển khai từ trong vụ đông xuân. Song nắng gay gắt, trời không mưa dự báo kéo dài đến tháng 8-2016 khiến vụ hè thu của địa phương sẽ chỉ còn 50% lượng nước ở các hồ thủy lợi, gây hạn nặng, thiếu nước sinh hoạt cho người dân và gia súc.
Nắng nóng cũng khiến trẻ em, người già nhập viện tăng cao. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, số người già và trẻ em nhập viện trong những ngày nắng nóng tăng đột biến, chủ yếu mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp...
Riêng tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, mỗi ngày có khoảng từ 300 đến 400 cháu đến khám và điều trị. Theo khuyến cáo của bác sĩ, thời điểm đầu hè các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh sởi… diễn biến phức tạp. Do đó, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện nóng, sốt để thăm khám và kịp thời điều trị.
Nguyễn Quốc