Tại buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trương Văn Ba, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, từ năm 2014 đến tháng 10/2017, cả nước đã xử lý hơn 44.500 vụ việc liên quan đến hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong 10 tháng năm nay, đã phát hiện gần 3.900 vụ, trong đó có những vụ việc nổi cộm như Công ty TNHH TS Việt Nam sản xuất mỹ phẩm giả với giá trị hơn 10 tỷ đồng; Công ty Khải Silk bán khăn lụa Trung Quốc…
Không khó hiểu để hàng giả, hàng nhái gia tăng bởi đây là lĩnh vực có lợi nhuận rất lớn. Ông Trương Văn Ba nêu ví dụ, ở lĩnh vực thuốc tân dược, chi phí sản xuất hàng giả chưa bằng 1/20 hàng thật trong khi giá bán trên thị trường lại tương đương. Vì vậy, người làm hàng giả bất chấp đạo đức nghề nghiệp để thu lợi bất chính.
Theo Luật sư Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân vấn nạn hàng giả, hàng nhái gia tăng còn do biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, trong khi quản lý bất cập, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Người tiêu dùng thì chấp nhận hàng giả, hàng nhái do giá rẻ, sính ngoại và tâm lý dễ dãi bỏ qua. Một số người khác khi mua phải hàng giả, e ngại kiện cáo do nắm chưa vững luật pháp...
Luật sư Đỗ Hải Bình (Văn phòng Luật sư Quốc Anh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chế tài trong việc sản xuất hàng giả đã được quy định đầy đủ, nhưng mức xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự hiện hành đã có mức chế tài tăng nặng, ngoài xử phạt còn chế tài cả pháp nhân, tước giấy phép kinh doanh, phạt tù... Nhưng thực tế, việc tước giấy phép không ngăn chặn được hành vi sản xuất hàng giả, bởi những người có ý đồ làm ăn gian dối có thể thành lập công ty mới một cách dễ dàng...
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ để được pháp luật bảo vệ đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Saigon - ASEAN, thời gian đăng ký nhận được nhãn hiệu dài tới khoảng 2 năm. Trong 2 năm đó, doanh nghiệp cũng không được phản hồi để điều chỉnh hay đăng ký lại nếu hồ sơ chưa hoàn chỉnh.
Ông Trương Văn Ba thừa nhận, dù công tác chống hàng giả là trọng điểm, nhưng đôi khi cơ quan chức năng thực hiện không thường xuyên, liên tục đã tạo kẽ hở về thời gian cho hàng giả có cơ hội tung ra thị trường; có sự quản lý chồng chéo giữa các lực lượng, nhiều cơ quan chịu trách nhiệm nên không ai chịu trách nhiệm chính; có nhiều bộ, ngành, địa phương tham gia nhưng công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ...
Chưa bao giờ công tác chống hàng giả, hàng nhái được quan tâm như hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng trên "nóng", dưới "lạnh" hoặc "bất động" không làm gì, có tình trạng bảo kê của một bộ phận lực lượng chức năng biến chất vẫn xảy ra.
Vì vậy, rất cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp để xử lý nghiêm nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, để chống hàng giả, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng cần được đặt ra, bởi khi lực lượng có trách nhiệm phát hiện hàng giả thì một số doanh nghiệp đã không mặn mà hợp tác để truy tìm, bảo vệ chính mình.
Theo Hà Nội mới