Hiện nay, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm ở mức 478 USD/tấn; gạo Jasmine 578 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam tăng cao ổn định thời gian qua một phần là do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng, nhưng phần khác cũng khẳng định chất lượng, uy tín hạt gạo Việt Nam đang được khẳng định ngày càng rõ nét ở nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau.
Để sản xuất lúa gạo sát với nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới và phù hợp với định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng giữ tỷ trọng gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao ở mức hợp lý (khoảng từ 15 - 20%). Giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo japonica, gạo hữu cơ; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, gạo có vi chất dinh dưỡng, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo…
Liên kết phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao
Nhắc tới lúa gạo thì nhiều người sẽ nghĩ ngay tới đồng bằng sông Cửu Long hoặc đồng bằng sông Hồng. Ngành lúa gạo Tây Nguyên được cho là chưa phát triển mạnh vì bị trở ngại về hạ tầng giao thông, vùng trồng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, với việc chọn lựa giống, liên kết để mở rộng, đồng thời kiểm soát chất lượng vùng trồng, nhiều hợp tác xã đã mang lại giá trị cao hơn cho hạt gạo.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, Đắk Lắk cho biết: "Bằng mô hình nông dân liên kết với hợp tác xã trong phát triển theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, đạt được lợi ích kinh tế cao, sản phẩm từng bước vươn ra thị trường và có giá trị thương hiệu cao".
Để xây dựng được 100 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, các hợp tác xã đã thiết lập thành các lô sản xuất lúa nguyên liệu tương ứng cho từng mã lô là tem truy xuất nguồn gốc cho thành phẩm.
Nhờ liên kết, chất lượng được kiểm soát tốt, giá thu mua đối với các vùng sản xuất cũng cao hơn. Trước kia thu nhập từ lúa chỉ 30 - 40 triệu đồng/ha thì giờ có những ha cho thu nhập cả 100 triệu. Lợi nhuận của nông dân luôn trên 40% chi phí sản xuất.
Xây dựng thương hiệu để phát triển
Lúa gạo tuy không phải là nông sản chủ lực của Đắk Lắk, nhưng cũng không thể phủ nhận tiềm năng lúa gạo của tỉnh khi xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu gạo với sản phẩm đạt chất lượng cao.
Bên cạnh tích cực liên kết để có vùng trồng, việc tổ chức chế biến - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành. Từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu gạo sạch vùng Tây Nguyên, mở ra cánh cửa phát triển nông nghiệp bền vững và ổn định.
Hợp tác xã Thăng Bình là hợp tác xã duy nhất tại Tây Nguyên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, sản xuất gạo chất lượng cao. Khi những ruộng lúa đạt độ chín vừa đủ trên cánh đồng, hợp tác xã sẽ tổ chức gặt và sấy khô trong ngày nhằm đảm bảo chất lượng hạt gạo thành phẩm tốt nhất, giữ được hương vị thơm ngon nhất.
So với việc bán ngay tại ruộng cho thương lái như trước kia, giá thu mua hiện nay luôn ổn định. Sản phẩm thu hoạch của từng lô được bảo quản riêng, kiểm định chất lượng trước khi xay xát thành gạo đưa đến tay người tiêu dùng. Gạo ở đây đóng gói theo nhiều kích cỡ, đa dạng hóa mẫu mã để phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng khách hàng.
"Trước đây gạo chỉ trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, nhưng giờ đây Tây Nguyên còn có một vùng trồng gạo ngon và bây giờ nó có thể trở thành hiện tượng của Việt Nam thì Hợp tác xã thăng Bình cũng dựa trên nền tảng đó để phát huy tiềm năng đặc trưng về lúa gạo và từng bước đưa thương hiệu gạo sạch Thăng Bình HTB vươn xa thị trường trong nước và đã chào hàng ra nước ngoài…", ông Võ Văn Sơn - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thăng Bình, Krông Bông, Đắk Lắk cho biết.
Linh hoạt thích ứng với yêu cầu thị trường, đa dạng hóa các dòng sản phẩm, không chỉ bán lúa tươi hay bán gạo mang thương hiệu gạo Thăng Bình, hợp tác xã còn bán gạo thương mại mang thương hiệu doanh nghiệp khác và bán lúa khô cho doanh nghiệp tự xay xát.
Thời gian tới, hợp tác xã sẽ đầu tư công nghệ sản xuất để đáp ứng theo tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, đưa sản phẩm vươn xa.
Trúc Mai (t/h)