Còn theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đã được TP.HCM ấp ủ từ nhiều nhiệm kỳ.
Sau khi HĐND TP.HCM thông qua dự án này, rất nhiều ý kiến cho rằng không nên sử dụng số tiền lớn hơn 1.500 tỷ để xây nhà hát trong thời điểm này. Bởi còn rất vấn đề cấp thiết cần giải quyết hơn là xây nhà hát và Thủ Thiêm cũng là nơi xảy ra sai phạm về đất đai mà chính quyền TP.HCM vừa tổ chức xin lỗi người dân.
Khu đất dự kiến sẽ xây dựng nhà hát ở khu đô thị Thủ Thiêm
Anh Nghĩa (quận 2) nói: “Trước sau gì thì Nhà hát giao hưởng, Nhạc Vũ kịch cũng phải xây, nhưng chưa phải là bây giờ. Bởi hiện tại, hầu hết người dân chưa đủ khả năng thưởng thức và cảm nhận dòng âm nhạc bác học này. Tôi e ngại nó sẽ rất lãng phí, vì nó chỉ phục vụ cho một số rất ít. Trước mắt TP nên quy hoạch chỗ này thành khu công viên cây xanh kết hợp đậu xe để giữ đất. Vài chục năm nữa sẽ tính việc xây nhà hát. Hiện tại nên tập trung vào việc khác cấp thiết hơn như giao thông, ngập nước, xây thêm trường học, bệnh viện...”. Còn anh Hân (quận 2) bức xúc: “Ngay cả xã hội hóa thì cũng không nhất thiết phải xây nhà hát giao hưởng trong thời điểm này. Đâu phải xây lên xong rồi thì để đó được. Tiền duy trì hoạt động và bảo dưỡng hàng năm cho nhà hát này không hề nhỏ đâu nhé”.
Anh Thanh (quận 9) thì cho rằng: “Nên xã hội hóa việc xây nhà hát này, vì hiện tại nguồn vốn ngân sách còn không đủ để đáp ứng cho các công trình an sinh xã hội như hoàn thiện hệ thống giao thông, y tế, giáo dục thì không nên đổ vào những công trình chưa cần thiết như vậy”. Anh Long (quận Thủ Đức) bày tỏ: “TP.HCM đang ngổn ngang các công trình do nợ tiền rất nhiều. Tình trạng ngập nước và kẹt xe ngày càng trầm trọng, nhất là trong giờ cao điểm sáng và chiều! Xin mời lãnh đạo đi trên đường vào giờ cao điểm trên chiếc xe gắn máy hay taxi, đừng đi xe ưu tiên để hiểu nỗi khổ của người dân phải đối mặt hàng ngày!”. Anh Chung (Tân Bình) đề xuất: “Tiền xây nhà hát nên chuyển thành tiền di dời khu chất thải Đa Phước. Cả khu nam Sài Gòn nói riêng và TP nói chung còn được hít thở không khí trong lành, cái nhà hát ngàn tỷ này hỏi xem bao nhiêu người vào đó nghe”…
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều ý kiến cho rằng trong lúc này cần quan tâm đến những vấn đề cấp bách thiết thực phục vụ nhân dân, việc xây dựng nhà hát chưa cần thiết cấp bách. Nhiều người dân đặt vấn đề, các việc quan trọng như vậy nói để phục vụ nhân dân sao không lấy ý kiến nhân dân trước khi thông qua, mà lại phải họp bất thường thông qua?
Trao đổi với chúng tôi, KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty Tư vấn Thiết kế Ngô Viết nói: “Việc xây dựng nhà hát lớn với đô thị như TP.HCM là cần thiết, tuy nhiên, liệu HĐND đưa ra quyết định như vậy có vội vàng không? Việc đề xuất xây dựng này quá vội vàng, chưa có kế hoạch tốt. Bởi hơn 1.500 tỷ là số tiền lớn, làm được rất nhiều việc. Trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền lớn này cần phải được cân nhắc thật kỹ”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quy mô nhà hát 1.700 chỗ cần được nghiên cứu thật kỹ và phải xây dựng trên một khu đất rộng lớn tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác như cải lương, chèo, hát bội,... đây phải là một khu vực văn hóa rộng lớn, quần thể hoạt động văn hoá đa năng, như vậy mới đúng tầm của TP.HCM. Do đó cần có thời gian nghiên cứu thật kỹ trước khi thông qua để phù hợp với lòng dân và tình hình thực tế địa phương. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center của New York (Mỹ) gồm khoảng 30 nhà hát lớn nhỏ, ở đó có đầy đủ để hoạt động văn hoá nghệ thuật cả trong nhà và ngoài trời, quy mô từ 30 đến 3.000 chỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng, với số tiền đó nên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển hoàn thiện, sau đó có thể thu hút đầu tư xây nhà hát bằng nguồn vốn xã hội hóa. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, ở các nước, việc xây dựng nhà hát thường được tiến hành sau cùng, khi mọi thứ cơ bản đã ổn định. Như Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center ở New York (Mỹ) được xây khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học đầy đủ. Còn tại Pháp, Nhà hát mới Opera Bastille cũng được xây dựng khi Paris đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng…
Theo cand.com.vn