![Chung cư nhà ở xã hội và thương mại Bầu Tràm quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng Chung cư nhà ở xã hội và thương mại Bầu Tràm quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/11/22/z6029392279639-2f96bcaf961d2eacfafc6e3c4e689359-1732244528.jpg)
Vì sao nhà ở xã hội tại Đà Nẵng chậm?
Theo UBND TP Đà Nẵng, chương trình phát triển nhà ở của thành phố đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn rất chậm. Từ năm 2021 đến nay thành phố mới lựa chọn chủ đầu tư 1 dự án và đang lựa chọn chủ đầu tư 2 dự án. Việc chậm lựa chọn chủ đầu tư dự án gây khó khăn trong vấn đề tạo nguồn cung nhà ở xã hội trong giai đoạn.
Bên cạnh đó, thu nhập của đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội chưa đảm bảo điều kiện để mua nhà ở xã hội, nhất là sau đại dịch Covid-19. Một số dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến quá trình huy động vốn dự án cũng như thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Với nhà ở thương mại, nhiều dự án bất động sản trước đây chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư nên gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và các thủ tục liên quan. Một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại gặp vướng mắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư do không có quyền sử dụng đất ở. Chưa kể, nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc liên quan đến đất đai theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Đặc biệt, khó khăn về kinh tế sau đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản là nhà ở thương mại, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.
![Từ năm 2021 đến nay thành phố mới lựa chọn chủ đầu tư 1 dự án và đang lựa chọn chủ đầu tư 2 dự án. Từ năm 2021 đến nay thành phố mới lựa chọn chủ đầu tư 1 dự án và đang lựa chọn chủ đầu tư 2 dự án.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/11/22/z6007308674354-4ea8db9da84c054f97473d3711a6ae68-1732244631.jpg)
Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thủ tục triển khai, đầu tư nhà ở xã hội hiện rất chậm. Năm 2021 khi thành phố triển khai chương trình phát triển nhà ở thì chưa có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội. Lúc đó Sở Xây dựng tham mưu cho thành phố xây dựng 1 bộ tiêu chí rồi lấy ý kiến Bộ Xây dựng, hoàn thiện để kêu gọi nhà đầu tư. Sau đó thì luật đấu thầu mở ra, thành phố dựa trên bộ tiêu chí đã ban hành và quy định của Luật đấu thầu để thực hiện. Vừa qua, thành phố đã lựa chọn được 1 nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội tại khu vực Bầu Tràm, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
Sắp tới thành phố sẽ mời thầu triển khai 2 chung cư tại khu Nam cầu Cẩm Lệ. “Về thủ tục ban đầu còn lúng túng, triển khai chậm, nhưng sau này các dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai nhanh”- ông Hà chia sẻ.
![Dự án nhà ở xã hội và thương mại tại khu vực Bầu Tràm, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Dự án nhà ở xã hội và thương mại tại khu vực Bầu Tràm, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/11/22/z6007377781344-f092c87b2aeb77c10eacf494c2c92350-1732244682.jpg)
Bước đột phá của lãnh đạo TP. Đà Nẵng
Việc thành lập các tổ công tác thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng trong việc xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai.
Trước tình hình này TP. Đà Nẵng thành lập tổ công tác giải quyết các vấn đề về đất đai, việc thành lập các tổ công tác thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP. Đà Nẵng trong việc xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khai thác tối đa nguồn lực đất đai để phát triển bền vững.
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành các quyết định nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị về việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến dự án và đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo Quyết định số 2535/QĐ-UBND, TP. Đà Nẵng thành lập tổ công tác chính do Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch thường trực Hồ Kỳ Minh và Phó Chủ tịch UBND Lê Quang Nam đảm nhiệm vai trò Tổ phó; thành viên gồm lãnh đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan, với cơ quan thường trực là Sở Tài nguyên và Môi trường…
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối và tổ chức thực hiện Kết luận số 77-KL/TW, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong các dự án đất đai. Đây là bước đi quan trọng nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ngoài tổ công tác chính, UBND thành phố cũng quyết định thành lập hai tổ công tác chuyên môn: Tổ công tác tài chính đất đai (Quyết định số 2536/QĐ-UBND) do Phó Chủ tịch thường trực Hồ Kỳ Minh làm Tổ trưởng, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến giá đất và tài chính trong các dự án; Tổ công tác quy hoạch đất đai (Quyết định số 2537/QĐ-UBND) do Phó Chủ tịch UBND Lê Quang Nam làm Tổ trưởng, phụ trách xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch và sử dụng đất. Cả hai tổ công tác đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành để tham mưu và đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền.
Tất cả các tổ công tác đều được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng chương trình hành động cụ thể và giám sát quá trình triển khai trên địa bàn. Đặc biệt, tổ công tác có quyền mời đại diện các cơ quan, tổ chức và chuyên gia tham gia tư vấn khi cần thiết để đảm bảo hiệu quả công việc. Sở Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp và đảm bảo điều kiện hoạt động cho các tổ công tác.
![Chính vì thế mà Đề án 1 triệu nhà ở xã hội rất khó về đích vào năm 2030. Chính vì thế mà Đề án 1 triệu nhà ở xã hội rất khó về đích vào năm 2030.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/11/22/z6029392214967-49d6de32e7c62855759cf07796973cd5-1732244744.jpg)
Việc thành lập các tổ công tác thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP. Đà Nẵng trong việc xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khai thác tối đa nguồn lực đất đai để phát triển bền vững.
Qua đó, có thể thấy những nút thắt chính trong lĩnh vực nhà ở xã hội làm tiến độ thực hiện bị chậm lại là thủ tục vốn vay ưu đãi từ ngân hàng và các địa phương cũng không bố trí quỹ đất hợp lý. Nút thắt đã được nhận diện nhưng đáng tiếc là nhiều năm qua vẫn không được tháo gỡ tích cực. Chính vì thế mà Đề án 1 triệu nhà ở xã hội rất khó về đích vào năm 2030.
Nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nhận được nhiều quan tâm. Giới chuyên gia nhận định, để hoàn thành mục tiêu của đề án, cần làm tốt công tác quy hoạch đất.
Hoàng Hữu Quyết