Nhìn lại những

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi cho phép phá sản ngân hàng

Với tỷ lệ 88,8% tán thành chiều ngày 20/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng. Điểm quan trọng của lần thay đổi này là các chính sách mang tính hành lang để xử lý những vấn đề chưa từng có tiền lệ.

Đây cũng được xem là cơ sở pháp lý cho các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, Luật bổ sung cụ thể các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, gồm: phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, chuyển giao bắt buộc và cho phép phá sản. Động thái này được đánh giá mở đường cho phá sản ngân hàng.

Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục

Tại phiên họp cuối năm đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nâng mức dự trữ ngoại hối lên kỷ lục mới, đạt gần 52 tỷ USD vào cuối năm 2017. Đây cũng là mức cao kỷ lục từ trước đến nay và cao hơn gần 4 tỷ USD so với số liệu Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra cách đây 1 tuần.

Quy mô 51,5 tỷ USD nói trên được Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết bao gồm cả mua lại số ngoại tệ từ đợt thoái vốn Nhà nước tại Sabeco vừa qua. So với con số cuối năm 2016, tổng lượng ngoại tệ mua ròng trong năm 2017 ước tính đạt gần 12 tỷ USD.

Nghị quyết 42 mở đường cho dọn dẹp nợ xấu

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua ngày 21/6 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết có hiệu lực trong vòng 5 năm, áp dụng đối với toàn bộ nợ xấu trước khi Nghị quyết có hiệu lực.

Nghị quyết gồm 19 Điều và Phụ lục xác định nợ xấu, quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.

Nghị quyết 42 được các chuyên gia đánh giá là văn bản pháp lý quan trọng bởi lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ đã kéo dài nhiều năm qua, có căn cứ để giải quyết.

Dự án phức hợp Saigon One Tower của Công ty Sài Gòn One Tower là tài sản đảm bảo đầu tiên Công ty quản lý tài sản - VAMC thu giữ để xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42 vừa có hiệu lực.

Ngân hàng ồ ạt lên sàn chứng khoán

Trong năm 2017, đã có 5 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán – con số cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây.

Đầu tiên là VIB chào sàn UPCoM ngày 9/1, tiếp theo là cổ phiếu KLB của Kienlongbank, VPB của VPBank, LPB của LienVietPostBank và gần đây nhất, ngày 28/12, cổ phiếu BAB của BacABank đã chính thức được giao dịch trên UPCoM. Tới ngày 29/12, 5 ngân hàng này đã giúp thị trường tăng thêm hơn 95.000 tỷ đồng vốn hóa.

Có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy các ngân hàng quyết định đưa cổ phiếu lên thị trường trong năm nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một năm thành công nhất kể từ đợt khủng hoảng 2007, khi VN-Index đạt mức tăng hơn 40% và tiệm cận mốc kỷ lục 1.000 điểm. Đà tăng này cũng được dẫn dắt nhờ sự “bùng nổ” của nhóm cổ phiếu ngân hàng. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu nhiều nhà băng đã ghi nhận mức tăng 2 con số.

Dự kiến sang đầu năm 2018, 3 ngân hàng nữa đã hé lộ kế hoạch lên sàn gồm HDBank, Techcombank và TPBank.

Làn sóng Bitcoin đổ bộ Việt Nam

Năm 2017, Bitcoin trở thành một cái tên được chú ý khi giá của đồng tiền điện tử này đạt đỉnh gần 20.000 USD so với mức gần 1.000 USD thời điểm đầu năm. Tại Việt Nam, dù chưa được Ngân hàng Nhà nước công nhận và chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ, nhưng đồng tiền này đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường, từ trào lưu đầu tư, mua bán cho tới khai thác.

Theo Cục Hải quan TP HCM, hàng nghìn bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin và Litecoin tại Chi cục hải quan Chuyển phát nhanh. Đối tượng làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng này đa phần là cá nhân, tổ chức không có mã số thuế.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm nói "không" với Bitcoin và các đồng tiền ảo tương tự. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Bitcoin không phải đồng tiền hợp pháp, tất cả các giao dịch đều không đúng quy định hiện hành. Thống đốc cho biết, Chính phủ cũng giao cho Bộ ngành, trong đó Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, trong đó có bitcoin.

Bùng nổ thanh toán điện tử và fintech

Hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt, các tổ chức tín dụng trong năm 2017 đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới để đón đầu xu hướng này. Ngoài nền tảng Internet Banking và Mobile Banking, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin đã nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ trên thiết bị điện thoại di động như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,...

Đến nay tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch liên tục tăng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu, với giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng.

Không riêng ngân hàng truyền thống, các Fintech cũng phát triển mạnh trong cuộc đua giành thị phần thanh toán điện tử. Số lượng các đơn vị được cấp phép trở thành trung gian thanh toán đã tăng gấp 3 lần trong năm 2017.

Anh Anh (t/h)