Từ xa xưa cây dừa luôn gắn với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Lá dừa dùng che trại sản xuất, cơm dừa, nước dừa để ăn, uống giải khát và chế biến các loại bánh kẹo dùng trong dịp Tết, xơ quả dừa chế biến thành dây để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân ta dùng thân cây dừa để làm nhà, làm hầm trú ẩn che đạn bom. Cây dừa từ xa xưa đã đi vào ca dao, tục ngữ và thơ ca, nhạc họa.
Muốn về Mỹ Á ăn dừa
Sợ truông cát nóng, sợ đường đá dăm
Cát nóng đưa dép anh mang
Đá dăm em lượm còn than nỗi gì
Ca dao
Hay (ca dao):
Muốn về Mỹ Á ăn dừa
Sợ em Mỹ Á đẩy đưa nhiều lời
Trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Lê Anh Xuân là người viết về cây dừa khá hay:
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi :“Dừa có tự bao giờ ?”
Trích “Dừa ơi” - Thơ Lê Anh Xuân, tháng 01/1966.
Trước năm 1975, dọc vùng biển từ Bình Sơn đến Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù bị bom đạn chiến tranh tàn phá nhưng ở các làng chài ven biển cây dừa vẫn còn khá nhiều. Do khu dân cư phát triển và giá dừa thấp chỉ 5000 đồng/quả, nên nhiều hộ dân vùng biển đã chặt phá dừa, xây nhà hay trồng các cây ngắn ngày khác. Riêng ở huyện đảo Lý Sơn, dừa bị đốn chặt do xây dựng nhà ở và trồng hành, tỏi vì cây hành, tỏi không trồng được dưới bóng râm. Tỉnh Quảng Ngãi có bờ biển dài hơn 130 cây số với hàng ngàn cây dừa hàng chục năm tuổi đã bị đốn chặt, bây giờ chỉ còn nhà ở và cát trắng. Về thăm những vùng quê biển Quảng Ngãi hôm nay, không còn bóng dừa mát rượi, không còn sân chơi cho tuổi thơ vùng biển.
Thời dịch Covid-19, quả dừa lại lên ngôi, giá 20.000đồng một quả. Để giải nhiệt cho cơ thể, người ta lại đổ xô đi mua dừa uống nước. Dọc các đường phố xuất hiện nhiều xe chở dừa đi bán. Riêng xã vùng biển Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi đã lập kế hoạch xin UBND TP. Quảng Ngãi xây dựng Công viên cây xanh biển, trong đó trồng cây dừa ven biển là chủ yếu. Đại dịch Covid-19 sau khi được kiểm soát, vùng biển Quảng Ngãi sẽ có thêm nhiều nơi trồng và chăm sóc dừa. Bởi cây dừa không chỉ có thu nhập về kinh tế hộ gia đình mà nó còn tạo cảnh quan cho phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa. Bóng dừa quê hương ngày xưa, rồi sẽ sống lại trong thơ ca, nhạc họa của người dân vùng đất núi Ấn sông Trà trong tương lai gần.
Bài và ảnh : Trần Đình Quang