Ngày 14/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP Về nhãn hàng hóa có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 để thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP trước đó.

Mục đích, vai trò, chức năng của việc ghi nhãn hàng hóa không chỉ là đối với nhà sản xuất mà nó có ý nghĩa, tác động đến với cả 3 nhóm đối tượng bao gồm: người tiêu dùng - nhà sản xuất, kinh doanh - cơ quan quản lý Nhà nước.

Cục QLTT Nghệ An kiểm tra nhãn hàng hóa của thiết bị điện tử qua sử dụngCục QLTT Nghệ An kiểm tra nhãn hàng hóa của thiết bị điện tử qua sử dụng

Cụ thể, đối với người tiêu dùng, nhãn hàng hóa là một trong trong những cơ sở quan trọng để nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng hàng hóa. Với việc trên nhãn hàng hóa có những thông tin bắt buộc về tên hàng hóa, tên địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và những nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa (Tùy theo từng loại hàng hóa khác nhau mà Nghị định 43/2017/NĐ-CP phân chia thành 66 nhóm hàng hóa có yêu cầu ghi nhãn riêng), người tiêu dùng sẽ có sơ sở để lựa chọn mua, sử dụng, bảo quản... hàng hóa. Đồng thời, các thông tin trên nhãn hàng hóa cũng là cơ sở để người tiêu dùng khiếu nại, tố cáo đến doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật, không đảm bảo chất lượng...

Đối với nhà sản xuất, kinh doanh, nhãn hàng hóa là công cụ để quảng bá cho sản phẩm, hàng hoá của mình. Thông tin để quảng bá có thể được thể hiện dưới dạng hình ảnh, chữ viết, màu sắc hoặc các ký hiệu, tài liệu kèm theo khác để thể hiện tính ưu việt của sản phẩm hoặc gây sự chú ý để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa đó trong nhóm các sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, việc đưa các thông tin quảng bá phải đảm bảo ghi đúng quy định về nội dung, hình thức, ngôn ngữ, vị trí, đảm bảo tính trung thực, khách quan và không mang tính so sánh trực tiếp với hàng hóa cùng loại khác.

Đối với nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa còn được sử dụng như một công cụ để chống làm giả thông qua việc sử dụng các thông tin mang tính kỹ thuật để thể hiện các dấu hiệu đặc thù riêng làm căn cứ phân biệt, xác định hàng thật, hàng giả. Các dấu hiệu có thể thể hiện thông qua các giải pháp công nghệ cao như tem in 3D, kỹ thuật in, dập chìm... hoặc đơn thuần là những ký hiệu bằng chữ viết, hình ảnh, mép hàn, màu sắc, độ sắc nét của chữ, màu in....

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, nhãn hàng hóa là một căn cứ để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc ghi nhãn với đầy đủ các thông tin bắt buộc theo quy định của pháp luật giúp xác định nguồn gốc hàng hóa, hàng hóa do doanh nghiệp nào sản xuất hoặc nào chịu trách nhiệm; các thông tin về chỉ tiêu chất lượng trên nhãn là một trong những căn cứ để kiểm tra, đối chiếu xác định chất lượng, tình trạng của hàng hóa; hàng hóa quá hạn sử dụng không được phép lưu thông trên thị trường..

Tâm An