Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, số người bệnh thủy đậu tăng cao với khoảng 3.000 bệnh nhân một tháng. Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng trăm người lớn mắc bệnh, trong đó có nhiều ca bị biến chứng nặng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não, nguy cơ tử vong cao.
Năm 2017 cả nước ghi nhận gần 40.000 người bệnh thủy đậu, tăng gần 50% so với năm 2016.
Nguyên nhân gây bệnh
Thủy đậu là bệnh lây nhiễm cao. Ngoài đường lây khi tiếp xúc thông thường về da, chạm vào nước dịch mụn nhọt, bệnh còn lây qua đường hô hấp hoặc dụng cụ sinh hoạt cá nhân.
Bệnh do virus Varicella-Zoster, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ em nhóm tuổi đi học. Trẻ em 2-5 tuổi là nhóm dễ bị virus xâm nhập nhất vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Thông thường mỗi người chỉ bị thủy đậu một lần và có miễn dịch ngay sau khi bị bệnh, tuy nhiên nếu sức đề kháng yếu thì bệnh vẫn có thể tái phát.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Khi khởi phát bệnh, người bị thủy đậu có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt, rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Người chưa mắc bệnh, hoặc chưa được tiêm vắc-xin đều cảm nhiễm với bệnh.
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
Chăm sóc người bệnh bị thủy đậu
Vì là bệnh lây lan nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch.
Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt, những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Phòng bệnh thủy đậu
Mặc dù bệnh thủy đậu có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là tiêm vắc-xin. Người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm chủng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm vắc-xin để phòng bệnh.
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Thủy đậu chưa có thuốc đặc trị, do đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm văcxin là cách phòng bệnh hiệu quả. Hơn 90% người đã tiêm phòng sẽ tránh được hoàn toàn căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng song thường nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), không gặp biến chứng. Trẻ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều văxin để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất sáu tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai ba tháng. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm văcxin này.
Đa số người mắc chưa được tiêm vắc xin phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh. Bởi vì, trên thực tế, nếu đã được chủng ngừa vắc xin thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. (Ảnh: VTV)
Các bác sĩ khuyến cáo, thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cần được phát hiện sớm và chăm sóc chu đáo, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi vậy, cần căn cứ vào các triệu chứng của bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời.
Hà Trần(tổng hợp)