Được đánh giá là những tập đoàn hàng đầu thế giới với doanh thu khổng lồ, thế nhưng các “đại gia” Mỹ như Amazon, Google, Starbucks và gần đây là Apple đã tìm đủ mọi chiêu trò để lách luật hòng trốn thuế hàng tỷ USD mỗi năm. Các cuộc điều tra được tiến hành cho thấy những lỗ hổng lớn về chính sách thuế tại những quốc gia mà các tập đoàn này sử dụng làm nơi trốn thuế.
“Qủa táo cắn dỏ” trong tầm ngắm
Tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ), sáng tạo ra những “sản phẩm của chúa” như iphone, ipad, ipod…, đang bị các công tố viên thuộc Viện công tố thành phố Milan (Italia) “sờ gáy” vì bị nghi ngờ chốn thuế hơn một tỷ euro (tương đương 1,34 tỷ USD) bằng cách mở hàng loạt chi nhánh “ma” ở nước ngoài. Cáo buộc gian lận thuế của Apple tại Italia bị tạp chí L ‘Espresso phanh phui đầu tiên. L ‘Espresso hôm 14-11 vừa qua cho biết, tập đoàn có trụ sở ở bang California (Mỹ) này đã sử dụng một mạng lưới các chi nhánh ở nước ngoài, gồm ba chi nhánh tại Ireland, nơi thuế suất thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Cũng theo L ‘Espresso, các công tố viên ở Italia cáo buộc Apple “Lờ” đi việc khai báo khoản thuế 206 triệu euro trong năm 2010 và 853 triệu euro năm 2011.Nếu cáo buộc trên là sự thật thì tổng cộng, hãng công nghệ nổi tiếng thế giới này có thể đã chốn nộp thuế với số tiền lên tới hơn một tỷ euro. Trước đó, hồi tháng 5, Chủ tịch Apple Timothy D. cook đã bị triệu tập đến QH Mỹ để giải trình sau khi một ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ công bố báo cáo với các tình tiết chứng minh Apple là tập đoàn trốn thuế lớn nhất nước Mỹ.
Để phục vụ quá trình điều tra, các công tố viên Milan mới đây đã khám xét văn phòng của Apple tại thành phố này trong nhiều giờ. Báo The New York Times cho biết, Cook khẳng định tập đoàn này không dùng thủ thuật trốn thuế nào cả.
Tuy nhiên, báo cáo của Thượng viện Mỹ cho biết, Apple đã lập ra một hệ thống chi nhánh với quy mô lớn hơn bất cứ tập đoàn nào khác. Nhiều chi nhánh của Apple ở các “thiên đường trốn thuế” trên thế giới hoàn toàn không có nhân viên nào và được dựng lên chỉ để làm bình phong nhằm che giấu lợi nhuận của tập đoàn mẹ.
Trong số những chi nhánh của Apple ở nước ngoài, Apple Operations International ( AOI) tại Ireland, nơi có thuế suất thấp hơn Italia, là địa chỉ Apple giấu lợi nhuận nhiều nhất. Tập đoàn này “né thuế” bằng cách chuyển phần lợi nhuận của hãng này ở Italia đến tài khoản của AOI. Tại Ireland, Apple đã điều đình với giới chức nước này và sau đó được hưởng mức thuế thu nhập đặc biệt không quá 2%/ năm. Trong khi đó, AOI – có doanh thu khoảng 30 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2012 – lại chưa hề khai báo thuế ở Ireland, Mỹ hay bất cứ nước nào khác trong 5 năm qua.
Hiện hai giám đốc phụ trách tài chính của chi nhánh Apple ở Italia đang bị điều tra với cáo buộc làm giả sổ sách, giấy tờ để che giấu các khoản thu nhập phải đóng thuế. Cũng theo báo cáo của Thượng viện Mỹ, Apple mới nộp cho giới chức thuế Italia ba triệu euro năm 2012 trong khi lợi nhuận của tập đoàn này lên đến hàng trăm triệu euro tại thị trường Italia. Một công ty con khác của Apple ở Ireland là Apple Sales International, được xác định chỉ phải nộp 0,05% thuế trên doanh thu 22 tỷ USD trong năm 2011. Hiện nhà chức trách Italia gấp rút hoàn thiện hồ sơ điều tra về quá trình hoạt động của những chi nhánh Apple đặt tại nước này.
Bị điều tra gắt gao như vậy nhưng giới lãnh đạo Apple luôn khẳng định không nợ một đồng tiền thuế nào, viện dẫn rằng tập đoàn này liên tục được các chính phủ trên toàn thế giới kiểm toán. Apple cũng cho rằng AOI không phải là nơi để họ sử dụng để che giấu lợi nhuận, cho biết tập đoàn này sẽ phải nộp hơn bảy tỷ USD tiền thuế trong năm tài chính năm 2013.
Muôn nẻo trốn thuế
Cuộc điều tra về hoạt động trốn thuế của Apple được tiến hành sau khi hàng loạt “đại gia” khác của Mỹ như google, Amazon, Starbucks… cũng bị cáo buộc trốn thuế hàng tỷ USD. Phương thức trốn thuế cũng tương tự như Apple: chuyển các khoản lợi nhuận của mình ra các công ty con được thành lập ở những quốc gia có mức thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp nước ngoài như Luxembourg, Ireland hay Thụy sỹ. Theo The New York times, các “ông lớn” này có thể đã trốn được số tiền thuế ít nhất 100 tỷ USD/năm.
Tháng 1-2012, giới lãnh đạo châu Âu nghi ngờ nhiều tập đoàn đa quốc gia lách luật để tránh phải nộp mức thuế cao. Nghi ngờ này xuất phát từ thực tế rằng, mỗi năm các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ như Google hay Amazon có doanh thu lên đến hàng tỷ USD lợi nhuận nhưng chỉ đóng một khoản tiền thuế rất thấp ở một số quốc gia thuộc châu Âu. Chi nhánh tại Anh của chuỗi nhà nhà hàng cà-phê, đồ ăn nhanh Starbucks mặc dù luôn báo lỗ trong hơn một thập kỷ qua nhưng thường xuyên tuyên bố với các nhà đầu tư chi nhánh này rằng vẫn có lãi.
Các cuộc điều tra nhằm vào những tập đoàn lớn đặt ra câu hỏi: phải chăng các “đại gia” này ngày càng thành thạo trong việc lợi dụng các kẽ hở của luật pháp để trốn thuế? Không chỉ nhiều công ty, tập đoàn lớn “né thuế” mà lâu nay, các ngân hàng tại châu Âu từ lâu cũng đã quen với các kiểu trốn thuế. Ngân hàng toàn cầu HSBC mới đây bị các nhà chức trách Pháp điều tra vì nghi ngờ mở các tài khoản bí mật tại Thụy Sĩ để tiếp tay cho khách hàng che giấu tài sản với mục đích trốn thuế. Năm ngoái, Ngân hàng Barclays bị buộc tội chốn thuế phải nộp phạt 785 triệu USD cho Chính phủ Anh.
Các nhà điều tra châu Âu cho biết, thủ đoạn mà các tập đoàn lớn thường sử dụng để trốn thuế là chuyển doanh số bán hàng ở các nước châu Âu có mức thuế suất cao sang công ty con ở quốc gia khác có mức thuế thấp hơn và chốn được một khoản tiền nộp thuế kếch xù. Cơ quan thuế vụ Anh cho biết, từ năm 2010, Amazon đã chuyển phần lớn khoản doanh thu 3,3 tỷ bảng Anh sang chi nhánh ở Luxembourg nhằm tránh đóng khoản tiền thuế thu nhập tại Anh. Cũng theo cáo buộc của cơ quan này, thay vì phải nộp 26% doanh thu theo quy định áp dụng cho các công ty làm ăn ở Anh, Google chỉ nộp thuế sáu triệu bảng Anh, tương đương 1,5% trong doanh thu lên tới 395 triệu bảng của tập đoàn này tại Anh trong năm 2012.
Tình trạng chốn thuế đã khiến Liên hiệp châu Âu (EU) tổn thất ước tính tới 1.000 tỷ euro (khoảng 1.300 tỷ USD). Hiện Nghị viện châu Âu (EP) đã ra một nghị quyết kêu gọi EU hành động dể giảm một nửa mức thiệt hại này vào năm 2020. Các biện pháp phòng, trốn thuế bao gồm tìm kiếm và bịt kín các lỗ hổng trong chính sách thuế, quản lý chặt chẽ hơn những nơi được xem là “thiên đường trốn thuế”. Sáu quốc gia thuộc EU là Anh, Italia, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Ba Lan thống nhất kế hoạch buộc ngân hàng tại các nước này phải minh bạch hóa hoạt động, cụ thể là phải cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ của các nước này, trao đổi dũ liệu giữ các ngân hàng và tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế…
Theo Thời Nay