Theo đó, lãnh đạo thành phố đề nghị toàn thể Nhân dân trên địa bàn Thủ đô tham gia vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3, nỗ lực đưa môi trường sống trở lại bình thường.

Bác sỹ Nguyễn Mỹ Linh - Phòng khám Da liễu bác sỹ Thái Hà - đưa ra các khuyến cáo phòng tránh các bệnh về da sau mưa lũ

Cùng với việc sửa chữa hạ tầng, dọn dẹp đường phố, thu dọn hàng vạn cây xanh gẫy đổ trong bão, việc phòng chống dịch bệnh sau bão lũ, cũng vô cùng quan trọng. Bởi trong và sau mưa bão, lũ lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng nề do các chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp, xác chết động thực vật thối rữa, nước từ hệ thống cống thải tràn ra không được xử lý. Đây là những điều kiện rất “thuận lợi” cho các tác nhân vi sinh vật phát triển và gây bệnh cho người.

Mới đây, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, PGS. TS. Trần Đắc Phu cho biết, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng do mưa, lũ, rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, đau mắt… do nguồn nước, thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Các bác sỹ da liễu cần lưu ý người dân phòng các bệnh về da như ghẻ, nấm da…, sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn.

Qua trao đổi với Bác sỹ Nguyễn Mỹ Linh – Phòng khám Da liễu bác sỹ Thái Hà, được biết, các bệnh ngoài da hay gặp sau mưa lũ như nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt… Ngoài ra, người dân vùng lũ lụt có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua da niêm mạc như bệnh whitmore, bệnh do xoắn khuẩn leptospira, bệnh do vibrio vulnificus…

Theo Bác sỹ Nguyễn Mỹ Linh, nói về nguyên nhân gây bệnh về da, có thể kể đến các nguyên nhân, như: Do nguồn nước bẩn, bị ô nhiễm các vi sinh vật, vi nấm gây bệnh; do người dân vùng lũ lụt thường phải ngâm mình, ngâm chân tay trong nước bẩn lâu; do điều kiện ăn ở sinh hoạt ẩm thấp…

Tại thời điểm này, người dân cần lưu ý tới hiện tượng da bị nhiễm nấm. Lưu ý rằng, vị trí thường nhiễm nấm là nấm bàn chân, nấm bẹn, nấm thân mình, nấm bàn tay… Nấm bàn chân, thường hay gặp ở kẽ ngón, có thể lan cả bàn chân. Triệu chứng là viêm đỏ, dày da vùng kẽ ngón chân, hoặc toàn bộ lòng bàn chân, hoặc xuất hiện mụn nước, bọng nước kèm ngứa nhiều. Nguyên nhân là mưa lũ, ngập lụt, người dân thường xuyên ngâm chân trong nước, nước bẩn làm gia tăng tỷ lệ nhiễm nấm bàn chân.

Cần chú ý tới nấm bẹn, đây là nhiễm nấm ở da vùng bẹn, có triệu chứng là xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần, bờ thương tổn đỏ, hoặc có mụn nước và có hình đa cung. Nguyên nhân là mùa mưa, lũ, lụt, thì quần áo dễ ẩm ướt nên vùng bẹn vốn kém thông thoáng - trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi cho vi nấm phát triển. Ngoài ra, nấm thân mình sẽ có biểu hiện là các dát, đám đỏ tròn, đa cung bong vảy, mụn nước, mụn mủ vùng rìa, có thể ở bất cứ chỗ nào trên thân mình, thường gặp ở những vùng ẩm ướt.

Bệnh nấm da là một trong những bệnh nhiễm trùng da hay gặp, vị trí nhiễm trùng hay gặp là các vùng da kín, nhiều mồ hôi như nách, bẹn, thắt lưng, kẽ chân, tóc, móng…

Đối với nấm da, Bác sỹ Nguyễn Mỹ Linh khuyến cáo, người dân cần chú ý đảm bảo sự khô ráo trên thân mình, chân, tay, vệ sinh sạch vùng da khi có thể. Điều trị bằng các thuốc bạt sừng, chống nấm, dưới sự hướng dẫn và thăm khám của bác sỹ da liễu. Trường hợp ở lâu trong vùng lũ, lụt, mưa bão, thì sau khi thoát khỏi tình trạng này, cần tắm sạch bằng xà phòng, hoặc sữa tắm có tính chất axit, sẽ giúp làm khô ráo thân mình, nhất là các nếp gấp như kẽ chân, bẹn, nách. Nếu người nào có các triệu chứng như trên, cần liên hệ với bác sỹ da liễu gần nhất để khám và điều trị.

Ở thời điểm này, người dân cũng cần lưu tâm tới các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn da, như chốc, nhọt, viêm nang lông, viêm mô bào... Bởi mưa lũ, ngập úng, điều kiện vệ sinh kém, da xây xát, cùng với hàng rào bảo vệ da bị tổn thương khi ngâm trong nước lâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng ngoài da. Biểu hiện là da có các sẩn, cục sưng nóng đỏ đau, có thể có ngòi mủ hoặc bọng mủ, đóng vảy tiết. Để điều trị, người dân cần dùng dung dịch sát khuẩn/kháng sinh tại chỗ, trường hợp nặng, cần dùng kháng sinh toàn thân. Cần vệ sinh cơ thể ngay khi có thể và luôn giữ khô da nếu được.

Người dân cũng cần chú ý tới bệnh ghẻ, bởi do vệ sinh kém, môi trường sống chật chội làm gia tăng nguy cơ bệnh này. Bệnh ghẻ, do ký sinh trùng sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ) gây ra. Bệnh ghẻ là các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục… và ngứa rất nhiều về đêm. Bệnh ghẻ, có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, chốc hóa. Để điều trị, người dân cần chấm dung dịch D.E.P, thuốc diệt ký sinh trùng, chống ngứa. Cần điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình. Khi dùng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sỹ da liễu, nhất là khi dùng thuốc trị ghẻ trên diện rộng, tránh độc cho cơ thể.

Bác sỹ Nguyễn Mỹ Linh khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, coi thường bệnh tật, không đến các cơ sở y tế để khám bệnh, hoặc đến khám bệnh muộn khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Không nên tự chẩn đoán bệnh, tự mua thuốc điều trị bệnh, hoặc nghe theo “mách bảo” của người thân không phải là bác sỹ khám bệnh hay “tư vấn” từ các nền tảng mạng xã hội. Cần đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, hoặc tư vấn khám bệnh qua điện thoại, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe.

Người dân cũng cần kiểm soát thật tốt các bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính sẵn có, do điều kiện giao thông đi lại trong mùa mưa bão, lũ lụt khó khăn, người bệnh không đến được các cơ sở y tế khám bệnh theo định kỳ. Trong trường hợp đến kỳ tái khám mà không đến khám tại cơ sở y tế được, cần xin tư vấn của bác sỹ thường xuyên quản lý, theo dõi, điều trị bệnh cho mình.

Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở nơi có điều kiện vệ sinh kém; tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị kịp thời - sẽ có thể dẫn đến nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp

Theo bác sỹ Nguyễn Mỹ Linh, để phòng bệnh về da trong và sau mưa bão, người dân cần vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch; hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày; mang các dụng cụ bảo hộ nếu phải đi vùng nước ngập; sau khi tiếp xúc với nước mưa, lũ, rửa lại bằng nước sạch, lau thấm khô, chú ý các nếp kẽ như kẽ ngón, nách, bẹn.

Người dân cũng cần lưu ý tránh tiếp xúc với nước lũ nếu có vết thương hở; rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch; làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, thì nên đến khám, hoặc tư vấn online hoặc tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh; làm sạch vùng cơ thể và để khô ráo ngay khi có thể nhất…

PV