Giáo viên nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, sẽ được hưởng thêm trợ cấp
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Nghị định này có hiệu lực từ 15/3/2020.
Theo đó, những đối tượng áp dụng là những nhà giáo nghỉ hưu được quy định tại Điều 2 Nghị định này sẽ được hưởng thêm trợ cấp khi chưa được hưởng phụ cấp thâm niên.
Giáo viên nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, sẽ được hưởng thêm trợ cấp
Ngoài ra, Nghị định còn quy định những nhà giáo trên được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện:
- Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên;
- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến 31/5/2011;
- Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012;
- Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Ban hành quy định hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 01 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa với số thành viên là số lẻ, tối thiểu là 11 người và có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Hội đồng bao gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa lựa chọn.
Trong trường hợp cơ sở có nhiều cấp thì mỗi cấp được thành lập 01 Hội đồng và nếu quy mô cơ sở dưới 10 lớp thì số thành viên tối thiểu của Hội đồng là 07 người. Người đã tham gia việc biên soạn sách hoặc tham gia thẩm định sách, chỉ đạo biện soạn, xuất bản, in, phát hành hoặc làm việc tại các nhà xuất bản sách thì không được tham gia Hội đồng.
Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực vào ngày 15/3/2020.
Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức
Thông tư 27/2019 của Bộ GD&ĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3.
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư này là quy định không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức, hay vừa làm vừa học trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ.
Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Như vậy, từ đầu tháng 3, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.
Quy định mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18 m2
Có hiệu lực từ ngày 27/3/2020, Thông tư 03/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được quy định như sau:
Mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18 m2; Mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15 m2; Mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 m2.
Về phòng nghỉ cho giảng viên: Mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng của phòng nghỉ cho giảng viên là 3m2/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24m2/phòng.
Bên cạnh đó, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 hội trường với quy mô từ 250 chỗ trở lên, có tối thiểu 1 giảng đường với quy mô từ 200 chỗ trở lên. Đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 thư viện, 1 ký túc xá. Mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 trạm y tế, với tổng diện tích chuyên dùng là 300 m2…
Ngọc Lan