Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
Năm 2022, kinh tế Việt Nam không bị cuốn vào suy thoái toàn cầu và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế.
Những kết quả này có được là nhờ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước thế giới, đã giúp Việt Nam tiếp tục ổn định chính trị, phục hồi kinh tế và từng bước ngăn ngừa những tác động của lạm phát.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV nhấn mạnh, Việt Nam đã kiên trì đường lối ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam duy trì vị thế là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, nhất là xét trong mục đích tái cơ cấu, thực hiện dịch chuyển dòng vốn trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra.
Duy trì sự ổn định đã trở thành một lợi thế của Việt Nam, theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB), giúp tạo niềm tin và sự yên tâm cho nhà đầu tư về môi trường kinh doanh lâu dài.
Việt Nam cũng là một trong số các nền kinh tế ký kết hiệp định thương mại tự do nhiều nhất thế giới trong năm 2022.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực, hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính liêm chính, kỷ cương, hành động, phục vụ hiệu quả người dân và tạo lập môi trường đầu tư công bằng, minh bạch.
Kiềm chế lạm phát, tăng đà phục hồi kinh tế
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu, rộng với các nền kinh tế thế giới, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, chịu áp lực lạm phát rất lớn.
Các gói hỗ trợ của Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi với quy mô 350.000 tỷ đồng đã góp phần kích thích cầu tiêu dùng hàng hóa, các hoạt động dịch vụ tăng đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao cũng có khả năng gây áp lực lạm phát.
Để kiểm soát lạm phát như mục tiêu (4%) đề ra, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ cùng lúc các nhóm giải pháp: Giảm tác động của chi phí đẩy, thúc đẩy cung hàng hóa, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.
Ở Việt Nam, tỷ trọng hàng tiêu dùng lớn nằm ở nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, chiếm khoảng 40% trong rổ chi tiêu hàng hóa. Nên khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, có dấu hiệu lạm phát tăng, Chính phủ đã chủ động giảm giá xăng, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8%; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022…
Qua đó giảm chi phí hoạt động sản xuất, chi phí vận tải giúp việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm được đảm bảo, đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân, giá cả ổn định.
Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ
Năm 2022, các tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam tăng khoảng 3,5-4%; rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hóa thế giới. Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào-ra, điều tiết giá cả.
Về quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, các bộ, ngành cần tiếp tục điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Nâng cao hiệu quả thực hiện các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các gói kích cầu và cung, từ đó nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có triển vọng phục hồi mạnh và tính lan tỏa cao, góp phần tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, phục hồi kinh tế tốt hơn.
Cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư-kinh doanh; chú trọng phát triển kinh tế-xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa bảo đảm kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.
Để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tiếp tục chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa; đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước.
Lê Pháp (t/h)