Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Kinh tế tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phục hồi tăng trưởng

11 tháng qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như cân đối thu chi; xuất nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng với xuất siêu hơn 10 tỷ USD; bảo đảm lương thực,  thực phẩm; cơ bản bảo đảm đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng...

Tổng cục Thống kê đã chỉ ra một số điểm sáng, lạc quan trong số liệu khảo sát thống kê được công bố định kỳ trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng 2022. Theo đó, năng suất lúa mùa đạt khá; chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt; sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao.

Số liệu thống kê nêu rõ, năng suất lúa mùa đạt khá cao 52,9 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha so với vụ mùa năm 2021 do các địa phương đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022 tăng 12,4% so với cùng thời điểm 2021; tổng số gia cầm tăng 5,4%; tổng số bò tăng 3,5%.

Ảnh internet
Kinh tế tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Ảnh internet.

Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất (IIP) tháng 11/2022 ước tăng 5,3% so với cùng kỳ 2021, trong đó chỉ số IIP của ngành chế biến chế tạo tăng 4,4%. Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 8,6%; trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2021, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ 2021; tính chung 11 tháng năm 2022 tăng 20,5% so với cùng kỳ 2021. 

Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2021. Luân chuyển hành khách tháng 11/2022 gấp 3,1 lần; luân chuyển hàng hóa tăng 29,8%. Tính chung 11 tháng năm 2022, luân chuyển hành khách tăng 71,4% so với cùng kỳ 2021; luân chuyển hàng hóa tăng 32,8%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần cùng kỳ 2021.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đảm bảo kết nối hàng hoá với thế giới và có mức thặng dư tích cực. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2021, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%; ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.

Đặc biệt là, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với  tổng số lao động đăng ký là 909 nghìn lao động, tăng 30,4% về số doanh nghiệp và tăng 15,9% về số lao động so với cùng kỳ 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường 11 tháng năm nay tăng 33,2% so với cùng kỳ 2021.

Vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ 2021. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2022 ước tính tăng 19,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, tăng 15,1%, cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Đáng chú ý, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 1,84% của bình quân 11 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 11 tháng năm 2020 (3,51%). Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 2,38%.

Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 23/11/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 5,3 triệu lượt lao động tại 122.991 doanh nghiệp.

11 tháng qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như cân đối thu chi (đến thời điểm này, bội thu khoảng 276.000 tỷ đồng, tạo dư địa để thực hiện các nhiệm vụ); xuất nhập khẩu duy trì đà tăng trưởng với xuất siêu hơn 10 tỷ USD; bảo đảm lương thực,  thực phẩm (xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD hàng nông sản và 7 triệu tấn gạo); cơ bản bảo đảm đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Đáng mừng là an sinh xã hội được bảo đảm; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập được tăng cường, mở rộng.

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ định kỳ tháng 11 vừa mới đây, đánh giá về kinh tế xã hội nước ta 11 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung và kịp thời tháo gỡ, xử lý các vấn đề mới phát sinh, nhất là liên quan đến hệ thống ngân hàng, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, tính riêng trong tháng 11, trước áp lực rất lớn của bối cảnh biến động phức tạp, khó lường của thế giới, gây thêm khó khăn đối với tình hình trong nước, một số chỉ tiêu kinh tế xã hội, lĩnh vực, thị trường có dấu hiệu chững lại hoặc giảm so với tháng trước, mặc dù tính chung cả 11 tháng vẫn duy trì ở mức tích cực. Cụ thể: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED và nhiều ngân hàng quốc gia, nhất là ở các đối tác kinh tế quan trọng tạo sức ép rất lớn lên tỷ giá, lãi suất và thị trường ngoại tệ. Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là do tình hình thế giới rất phức tạp, khó lường, ngày càng nhiều bất ổn, thách thức, rủi ro. Kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, cần thời gian để phục hồi, trong khi năng lực nội tại, sức chống chịu còn hạn chế, còn những vấn đề tích lũy lâu năm, bộc lộ rõ nét hơn trước tác động từ bên ngoài. “Một hạn chế nữa là công tác dự báo còn nhiều khó khăn, phản ứng chính sách của bộ, ngành trong một số trường hợp còn chậm, công tác quản lý Nhà nước chưa theo kịp yêu cầu đề ra, chưa phối hợp chặt chẽ, chủ yếu nhằm giải quyết khi vấn đề đã phát sinh. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ”, Thứ trưởng Phương nói.

Chỉ còn 01 tháng là kết thúc năm 2022, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện hơn nữa các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị số 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp thích ứng kịp thời với bối cảnh, tình hình mới và các tình huống phát sinh; phát huy tinh thần chủ động, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với nhau để tập trung xử lý, tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, vướng mắc; tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 05 năm đề ra.

Cụ thể, các bộ, ngành tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để đẩy nhanh thực hiện 3 đột phá chiến lược; chủ động rà soát, sửa đổi các thông tư theo thẩm quyền; kịp thời trình Chính phủ sửa đổi các nghị định; tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa các luật liên quan. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ KH&ĐT cũng lưu ý cần theo dõi sát tình hình thế giới và việc điều chỉnh chính sách của các nước, kịp thời có đối sách phù hợp, sẵn sàng phương án điều hành khi bối cảnh thế giới thuận lợi hơn; có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh, nhất là lạm phát và các cân đối lớn, nguồn cung xăng dầu, vật tư chiến lược; điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Liên quan tới định hướng trong thời gian tới và tổng kết cuối 2022, cũng trong Phiên họp Chính phủ định kỳ tháng 11 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải xác định tiếp tục sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là do tác động từ bên ngoài, nên phải tiếp tục nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm quản lý, điều hành để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, nhất là trong tháng 12 để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Quốc hội giao; tiếp tục xử lý các vấn đề nổi lên như khắc phục triệt để tình trạng thiếu xăng dầu, thuốc, vật tư y tế, thúc đẩy tiêm chủng; phát triển các loại trị trường hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là trong dịp Tết, không để thiếu hụt và ổn định giá cả các loại hàng hóa…

Theo dangcongsan.vn

Bài liên quan

Tin mới

Chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh vào Lớp 10 năm học 2024- 2025 trên địa bàn TP. Hải Phòng
Chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh vào Lớp 10 năm học 2024- 2025 trên địa bàn TP. Hải Phòng

UBND TP. Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương giao chỉ tiêu tuyển sinh vào Lớp 10, năm học 2024- 2025 đối với các Trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ninh Thuận bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Lễ 30/4 và 1/5
Ninh Thuận bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Lễ 30/4 và 1/5

UBND tỉnh Ninh Thuận có Công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát các nguồn thải và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau dịp Lễ 30/4 và 1/5...

Kiểm soát xuất khẩu đối với dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc
Kiểm soát xuất khẩu đối với dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Lào Cai xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế mở rộng năm 2024
Lào Cai xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế mở rộng năm 2024

Chiều 27/4, tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)đã diễn ra Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế mở rộng nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Lào Cai với các địa phương của vùng Tây Nam (Trung Quốc) và các thành phố Du lịch của các nước Đông Nam Á.

Xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam"
Xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam"

Chiều 27/4, tại khu vực phố cổ Công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long tổ chức chương trình Lễ hội bia và chả mực Hạ Long 2024, xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam".

Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu
Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu

Lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.